March 18, 2022 | 08:58 GMT+7

Xuất khẩu sang Trung Đông: Thị trường 400 triệu dân chưa được khai thác hiệu quả

Mộc Minh -

Các quốc gia Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại… Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Với nhu cầu nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đến năm 2035, tổng giá trị nhập ngành hàng này dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm tại các quốc gia Trung Đông.

THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ TIỀM NĂNG

Tại hội thảo “Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết Trung Đông (bao gồm 16 quốc gia) đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, với dân số đông khoảng 400 triệu dân và mức sống cao.

Thương mại khu vực Trung Đông khởi sắc và tăng trưởng mạnh hơn sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009 do kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu tăng trở lại.

 

Các quốc gia Trung Đông nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm. Một thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Đông là mức thuế chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào khu vực này cũng đang gia tăng, năm 2010 là 681,4 tỷ USD, năm 2018 tăng lên 932,4 tỷ USD. Đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia Trung Đông cũng tăng từ 234,3 tỷ USD lên 542,4 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

Quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm 06 quốc gia thành viên: Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Arab Saudi (Ả rập Xê út), Kuwait (Cô-oét) , Bahrain (Ba-ranh), Qatar (Ca-ta) và Oman (Ô-man), có tổng dân số 65 triệu người (năm 2021).

Các quốc gia GCC có nền kinh tế mở, phát triển ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

GDP bình quân đầu người ở mức cao, năm 2021 Qatar là 60.000 USD, UAE là 41.000 USD, Kuwait là 25.000 USD và Arab Saudi là 22.000 USD.

Từ tháng 01/2003, 06 nước thành viên đã thực hiện Liên minh thuế quan (CU) và thống nhất áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung có mức thuế khoảng 5% áp dụng trong toàn khu vực đối với hầu hết các sản phẩm.

Theo ông Ngô Toàn Thắng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait, 06 nước GCC đều là thành viên WTO. Rào cản thương mại tại thị trường các nước GCC là việc yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác... do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

Trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD.

Ông Thắng cho rằng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. Việt Nam có quan hệ ngoại giao, quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu dài với các nước GCC.

Bên cạnh đó, hai bên có khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác (đã ký các Hiệp định Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật với 5/6 nước, ký hiệp định thương mại 2/6 nước; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 5/6 nước GCC; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 4/6 nước; Hiệp định về vận chuyển hàng không với 5/6 nước; Thành lập Ủy ban liên Chính phủ/Ủy ban hỗn hợp với 5/6 nước GCC).

Mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao làm cầu nối thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác: đã có 4 Đại sứ quán và 3 Thương vụ tại GCC, có 5 Đại sứ quán các nước GCC tại Việt Nam.

 
Các mặt hàng chính TP.HCM xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông bao gồm: thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại…

Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp.

Chia sẻ thêm về thị trường Trung Đông, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết các quốc gia này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn (dao động từ 02 tỷ USD đến 08 tỷ USD) đối với các mặt hàng như: đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại…

Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hai bên.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của khu vực Trung Đông còn chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; công nghiệp sản xuất khó phát triển, nên khu vực này vẫn phải nhập khẩu nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng.

Thống kê cho thấy, các quốc gia này nhập khẩu khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm.

Một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông, mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.

Riêng với TP.HCM, Trung Đông là một thị trường còn nhiều dư địa để khai thác. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang các quốc gia Trung Đông tăng mạnh.

Chỉ kể riêng Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của TP.HCM sang UAE ước đạt 340 triệu USD trong đó xuất khẩu ước đạt 230 triệu USD tăng 12% so với năm 2020. Xuất khẩu TP.HCM sang Iraq ước đạt trên 130 triệu USD năm 2021 tăng 21%.

CẦN CHỨNG NHẬN HALAL ĐỂ XUẤT KHẨU SANG TRUNG ĐÔNG

Theo ông Nguyễn Tuấn, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế.

Vì vậy, doanh nghiệp rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư.

Chia sẻ về tiềm năng thị trường Kuwait, ông Ngô Toàn Thắng cho rằng quốc gia này có khá nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Kuwait là thị trường mở, tiêu dùng nội địa chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, thuế nhập khẩu thấp (từ 0%-5%) đối với hầu hết các loại hàng hóa; hiện Kuwait chưa áp dụng thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân.

Hàng Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng tại thị trường Kuwait như các mặt hàng điện thoại, thủy sản, giày dép, nông sản, thực phẩm, sản phẩm gia dụng…, với sức cạnh tranh ngày càng được nâng cao so với hàng Trung Quốc, Malaysia.

Tuy nhiên, các quốc gia Trung Đông chủ yếu theo Hồi giáo. Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hoá vào khu vực này cần có chứng nhận Halal (theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “được phép dùng”).

Theo bà Hằng, nền công nghiệp Halal hiện rất đa dạng với nhiều sản phẩm, dịch vụ như bánh kẹo; thực phẩm, đồ uống; sản phẩm từ sữa; bánh mì; thực phẩm hữu cơ, GMO; thảo dược; mỹ phẩm; chất bôi ngoài da; dược phẩm; nước hoa; ngân hàng; trái phiếu và chứng khoán; du lịch; logistics và chuỗi cung ứng; giáo dục và đào tạo; dịch vụ thực phẩm…

Đối với quy định thị trường xuất khẩu, thì chứng nhận Halal có thể áp dụng cho tất cả các loại sản phẩm không phải là Haram hoặc không chứa bất kì thành phần nào là Haram và đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn Halal.

Tuy nhiên, hiện nay những thị trường Hồi giáo chưa đồng nhất về chứng nhận Halal mà có những yêu cầu và tiêu chuẩn Halal riêng: quy định của Malaysia, quy định của các nước vùng Vịnh GCC (2017), quy định của Indonesia, quy định của UAE (ESMA), quy định của Pakistan…

Các công ty nông thủy sản cần đặc biệt lưu ý khi sản xuất các sản phẩm Haram sẽ rất khó trong quá trình đánh giá Halal. Doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm tham gia chứng nhận, địa điểm nhà máy và chương trình chứng nhận phù hợp với nhu cầu của mình.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate