May 17, 2025 | 19:12 GMT+7

Xuất khẩu Thanh Hoá vượt mốc 2,8 tỷ USD

Nguyễn Thuấn -

Trong 5 tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu của Thanh Hoá ghi nhận những kết quả tích cực, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động...

Hàng may mặc là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hoá
Hàng may mặc là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hoá

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hoá, trong tháng 5/2025, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 661,093 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ và đạt 35,5% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, giày xuất khẩu đạt 180 triệu đôi (tăng 24%), hàng may mặc đạt 223,7 triệu sản phẩm (tăng 23%), thuốc lá 12,8 triệu bao (tăng 17%), P-xylen 290,7 nghìn tấn (tăng 16%), dăm gỗ 461,1 nghìn m³ (tăng 14%) và benzen 73,1 nghìn tấn (tăng 9%).

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng 5/2025 ước đạt 931,198 triệu USD, tăng 2,6% so với tháng trước nhưng giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu của Thanh Hóa đạt hơn 4,3 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm phần lớn trong cơ cấu nhập khẩu với giá trị ước đạt hơn 4,2 tỷ USD, bằng 96,4% so với cùng kỳ.

Thị trường hàng hóa nội địa Thanh Hoá tiếp tục ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong tháng 5/2025 ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 5,71% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 5 tháng đầu năm, con số này đạt 84.800 tỷ đồng, tương đương 40,6% kế hoạch năm và tăng 9,11% so với cùng kỳ.

Hiện nay, toàn tỉnh này có 304 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, với 55 nhóm ngành hàng xuất khẩu tới 68 thị trường quốc tế. Các lĩnh vực chủ lực gồm: giày dép, may mặc, nông sản, vật liệu xây dựng... Nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, quý 3, thậm chí một số đã có đơn hàng kín đến hết quý 4/2025.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng với một số mặt hàng từ Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Thanh Hóa đang chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tại huyện Quảng Xương, Công ty TNHH 888 (thuộc Tổng Công ty CP May 10) là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này chuyên xuất khẩu áo Jacket, áo dạ, vest nữ, quần thể thao sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Canada. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm hơn 90% tỷ trọng đơn hàng.

Ông Lê Văn Bắc, Giám đốc điều hành công ty, cho biết: “Từ đầu năm 2025 đến nay, công ty liên tục phải tăng ca để kịp tiến độ đơn hàng. Việc ký kết thành công nhiều đơn hàng không chỉ đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động đến hết tháng 8/2025, mà còn giúp doanh thu xuất khẩu quý 1/2025 của công ty đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước”.

Nhằm hoàn thành mục tiêu đạt 8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngành công thương Thanh Hóa hiện đang tích cực theo dõi sát diễn biến kinh tế, chính trị và chính sách quốc tế, đặc biệt là các biến động liên quan tới chính sách thương mại của Mỹ, để kịp thời tham mưu các giải pháp ứng phó và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong thời gian chờ đợi kết quả đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, ngành công thương tỉnh khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đa dạng hóa đối tác, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thị trường lớn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate