July 15, 2021 | 13:31 GMT+7

Xuất khẩu vàng hơn 2 tỷ USD, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế chung 2%

Ánh Tuyết -

Bộ Tài chính đề xuất xem xét thống nhất chung một mức thuế suất thuế xuất khẩu 2% đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo tờ trình Dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng vàng.

 
"Nghị định không quy định cụ thể về các điều kiện hoặc tiêu chuẩn của vàng mỹ nghệ xuất khẩu nên việc xác định phân loại để tính thuế xuất khẩu mặt hàng này trên thực tế gặp nhiều khó khăn", Bộ Tài chính lo ngại.

Hiện nay, để quản lý mặt hàng vàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định số 88/2019/ND-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo các quy định nêu trên, Nhà nước độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Cũng theo Điều 13 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cần xin giấy phép của Ngân hàng nhà nước.

Các công ty không được phép xuất khẩu vàng nguyên liệu, chỉ được xuất khẩu vàng mỹ nghệ, vàng trang sức theo Giấy phép đăng ký kinh doanh. Theo đó, vàng, trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng càng từ 8 kara trở lên, đã qua gia công chế tác để phục vụ nhu cầu trang trí, mỹ thuật.

Trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua, theo báo cáo của cơ quan Hải quan, tiêu chuẩn giữa các mặt hàng có thuế suất 0% và 2% rất khó phân biệt.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai báo mặt hàng xuất khẩu là vàng mỹ nghệ các loại, hàm lượng vàng dưới 95%, mã hàng 7114.19.00.90, thuế xuất khẩu là 0%.

Chính vì vậy, "việc tính thuế đều căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, cơ quan hải quan không có đủ cơ sở để kiểm tra. Các công ty thực hiện giám định chất lượng vàng trước khi xuất khẩu đều thể hiện hàm lượng vàng dưới 95%, các chứng từ giám định lại của đối tác nước ngoài đều dưới 95%", Bộ Tài chính chỉ rõ.

Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ thống nhất chung một mức thuế suất đối với mặt hàng vàng, không phân biệt theo hàm lượng vàng như hiện nay. Cụ thể, tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng vàng có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2% và gộp dòng theo tên gọi mặt hàng theo đúng Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) mà Việt Nam đã ký kết, không chia cụ thể theo hàm lượng vàng để đơn giản hóa Biểu thuế.

 
Theo số liệu Tổng cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm 2020 đạt 2,6 tỷ USD; năm 2019 là 2,1 tỷ USD, tăng lần lượt 23,8% và 231,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tập trung chủ yếu mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95%. Năm 2020, có 469 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng vàng, gồm ngọc trai, đá quý, đá bán quý và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại.

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate