Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa kiến nghị Bộ Tài chính giảm một nửa thuế suất đánh vào xuất khẩu vàng nữ trang do lĩnh vực này đang gặp khó khăn.
Trong một công văn gửi Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, VGTA cho biết, từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC ngày 2/8/2011, hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam đã rơi vào bế tắc, vì các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 80% đến dưới 99,99% bị áp thuế suất xuất khẩu 10%.
Bên cạnh đó, theo VGTA, do nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức rất thấp. Điều này càng làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, buộc các doanh nghiệp phải liên tục cắt giảm lao động.
Theo nội dung mà VTGA đưa ra trong công văn, thì “cửa” làm ăn đối với các doanh nghiệp vàng tại Việt Nam đang ngày càng hẹp, nhất là kể từ khi Chính phủ thực hiện chủ trương siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24. Nhiều doanh nghiệp không còn được sản xuất, kinh doanh vàng miếng nay muốn đẩy mạnh sản xuất vàng nữ trang để xuất khẩu lại gặp trở ngại trước quy định về thuế.
VGTA cho biết, từ nhiều năm nay, các quốc gia trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0% để khuyến khích ngành này. Ở Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức đạt bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm.
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu. Các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam có hàm lượng 20k (83,33%), 22k (91,66%), thậm chí 24k… rất được ưa chuộng tại các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Trung Quốc… Tuy nhiên, mức thuế suất mới khiến xuất khẩu vàng nữ trang của Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia khác có mức thuế suất bằng 0%.
Trên cơ sở này, VGTA đề nghị Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu 0% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng dưới 80% như quy định hiện hành, đồng thời xem xét điều chỉnh thuế suất xuất khẩu xuống 0% đối với vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 80% trở lên.
Ngoài ra, VGTA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng.
VGTA cho rằng, nếu các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đồng thời có điều kiện hạ mặt bằng giá bán vàng trang sức để tiêu thụ tốt hơn trên thị trường trong nước và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate