Đây chính là nội dung chính của Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh BCSI tổ chức vào ngày 20/4 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 được tổ chức với sự tham gia đồng hành của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cùng sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Peacelife Việt Nam, Vibiz.vn và Công ty Cổ phần phát triển Giáo dục Hawking.
Diễn đàn có sự tham dự của ông Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu; PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng hơn 300 đại biểu và doanh nghiệp.
“Xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2016 của nước ta đạt những kết quả đang khích lệ trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động phức tạp, gây nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu. Năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nước ta đạt 176,6 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với năm 2015.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản đạt 22,216 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 12,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 15,156 tỷ USD với 8 mặt hàng chủ lực (gạo, cafe, hạt điều, hồ tiêu, cao su, rau quả, sắn và chè)”, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam nhận định tại Diễn đàn.
Trong phiên tọa đàm thứ nhất diễn ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017, ông tỏ ra trăn trở khi nói về xuất khẩu nông sản nước nhà: “Việt Nam làm nhiều cà phê nhưng chỉ bán được 2 USD/kg trong khi xuất khẩu sang nước ngoài họ bán 200 USD/kg, tức là chúng ta chỉ được 1% trong giá trị đó trong khi công sức bỏ ra lớn”.
Ông Nam cho rằng: “Chúng ta quan tâm đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững. Bởi, như cách ví von của Viện trưởng Võ Trí Thành thì đây cũng giống như người tham gia giao thông muốn đi nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn”.
Theo ông, xúc tiến thương mại trong giai đoạn tới cần tập trung hoạt động chuyên sâu cho từng mặt hàng đặc biệt đối với ngành nông sản, vốn rất đa dạng về chủng loại, thị trường thay đổi nhanh, nhiều mặt hàng mới xuất hiện do chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, các tổ chức xúc tiến xuất khẩu nên lựa chọn mỗi giai đoạn tập trung xúc tiến một số mặt hàng nông sản đang có tiềm năng, đang phát triển mạnh, thực hiện đồng bộ giữa chương trình, kế hoạch sản xuất với phát triển thị trường.
Cuối bài tham luận của mình, ông kết luận: “Để đạt được những phát triển mới, trách nhiệm chủ yếu thuộc về cơ quan Xúc tiến thương mại quốc gia - Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương. Cục cần có chủ trương và chương trình cụ thể đổi mới hoạt động xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản, góp phần tích cực vào chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện nay của Chính phủ”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate