Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố ngày 15/11, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2024 (từ ngày 16/10 đến ngày 31/10/2024) đạt 37,02 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 5,09 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 10/2024 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2024).
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng của năm 2024 đạt 647,91 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng của năm 2024 đạt 438,83 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 54,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước; tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 209,08 tỷ USD, tăng 19,5% (tương ứng tăng 34,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 2 tháng 10 năm 2024 đạt 19,39 tỷ USD, tăng 20% (tương ứng tăng 3,24 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ trước.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 10/2024 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 10/2024 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 806 triệu USD (tương ứng tăng 31,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 521 triệu USD (tương ứng tăng 22,1%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 494 triệu USD (tương ứng tăng 24,1%); hàng dệt may tăng 217 triệu USD (tương ứng tăng 14,5%); giày dép các loại tăng 194 triệu USD (tương ứng tăng 21,1%); gỗ và sản phẩm gỗ tăng 118 triệu USD (tương ứng tăng 16,7%)...
Tính trong 10 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 335,63 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 43,58 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 10/2024 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 2,42 tỷ USD) so với kỳ trước, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng/2024 của nhóm các doanh nghiệp này lên 240,13 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 27,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2024 đạt 17,63 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng 1,86 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ trước.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 10/2024 tăng so với kỳ trước chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 696 triệu USD (tương ứng tăng 16,1%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác tăng 235 triệu USD (tương ứng tăng 11,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 92,2 triệu USD (tương ứng tăng 140%); vải các loại tăng 88,5 triệu USD (tương ứng tăng 14,4%)...
Tính trong 10 tháng của năm 2024, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 45,03 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 10/2024 là 11,07 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 1,38 tỷ USD) so với kỳ trước.Tính trong 10 tháng/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8% (tương ứng tăng 27,05 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 63,6% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, với kết quả xuất nhập khẩu nêu trên, trong kỳ 2 tháng 10/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,76 tỷ USD. Tính trong 10 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,35 tỷ USD, giảm 5,8% so với mức thặng dư 24,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại mới đây, Bộ Công Thương đánh giá kết quả xuất, nhập khẩu 10 tháng năm 2024 là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước đã có sự nỗ lực vượt bậc, khi có tốc độ tăng của kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Động lực chủ yếu là sự phục hồi nhu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất các mặt hàng chủ lực.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.
Đồng thời, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.