November 07, 2022 | 15:07 GMT+7

Xuất, nhập khẩu Trung Quốc cùng bất ngờ giảm, dấu hiệu “báo động” về kinh tế nước này và thế giới

Bình Minh -

Thậm chí, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc còn không thể tranh thủ được sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và mùa mua sắm cuối năm...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Cả xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc bất ngờ tụt giảm trong tháng 10, đánh dấu lần đầu tiên cùng giảm kể từ tháng 5/2020, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất cùng tăng cao khiến nhu cầu trên toàn cầu suy yếu, và các hạn chế chống Covid-19 ở Trung Quốc gây gián đoạn sản xuất và tiêu dùng tại nước này.

Theo tin từ Reuters, số liệu thương mại ảm đạm của tháng 10 cho thấy thách thức mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải đối mặt, bởi xuất khẩu vốn là một trong số ít những điểm sáng trong nền kinh tế đang chật vật của nước này thời gian gần đây.

Thống kê chính thức công bố ngày 7/11 cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, một cú sụt mạnh nếu so với mức tăng 5,7% ghi nhận trong tháng 9. Con số này cũng hoàn toàn trái ngược so với mức dự báo tăng 4,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó, đồng thời là là tháng tệ nhất kể từ tháng 5/2020.

Giới phân tích nhận định rằng số liệu về xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc và bằng chứng rõ nét cho thấy nhu cầu toàn cầu nói chung đang yếu. Tình trạng này gia tăng sức ép lên lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc và làm suy giảm khả năng đạt được bất kỳ một sự phục hồi kinh tế đáng kể nào trong lúc các hạn chế chống Covid-19 nghiêm ngặt vẫn được áp dụng, thị trường bất động sản nước này còn chìm trong khủng hoảng, và nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy thoái.

Thậm chí, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc còn không thể tranh thủ được sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và mùa mua sắm cuối năm. Điều này càng phản ánh xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn cầu.

“Tăng trưởng xuất khẩu yếu có thể phản ánh cả nhu cầu suy yếu trên thị trường toàn cầu, cũng như sự gián đoạn nguồn cung tại Trung Quốc do các đợt dịch Covid-19 bùng phát”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Management nhận định. Ông Zhang lấy ví dụ là gián đoạn sản xuất tại nhà máy của hãng Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple, ở Trịnh Châu.

Apple cho biết một đợt gián đoạn sản xuất lớn do Covid-19 tại một nhà máy ở Trung Quốc sẽ dẫn tới sản lượng điện thoại iPhone 14 thấp hơn dự kiến ban đầu.

“Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm. Trong thời gian đại dịch căng thẳng, nhu cầu mua sắm hàng hoá trên toàn cầu đã tăng mạnh. Hiện nay, xu hướng này đang đảo ngược”, chuyên gia kinh tế Zichung Huang của Capital Economics nhận định. “Chúng tôi tin rằng sự thắt chặt tài chính trên toàn cầu và việc lạm phát tăng cao bào mòn thu nhập thực tế sẽ đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm tới”.

Đã gần 3 năm trôi qua kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trung Quốc vẫn giữ vững chiến lược chống dịch Zero Covid hà khắc. Chính sách này giúp Trung Quốc hạn chế số ca nhiễm, nhưng đồng thời cũng gây ra những tổn thất kinh tế to lớn.

Số liệu ảm đạm về hoạt động của các nhà máy và xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn trong quý 4 năm nay, cho dù đã khởi sắc trong quý 3.

Nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc, do phong toả chống Covid và tình trạng tụt dốc chưa có hồi kết của thị trường bất động sản, là nguyên nhân khiến nhập khẩu của nước này giảm sút. Nhập khẩu tháng 10 của Trung Quốc giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,3% trong tháng 9, trái ngược với dự báo tăng 0,1% của giới phân tích, và là kết quả tệ nhất kể từ tháng 8/2020.

Thặng thương mại tháng 10 của nước này tăng nhẹ, đạt 85,15 tỷ USD, so với mức 84,74 USD của tháng 9, và thấp hơn nhiều so với mức dự báo 95,95 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate