October 20, 2022 | 16:31 GMT+7

Xuất phát điểm thấp hơn, Việt Nam cần tăng tốc phát triển xe điện

Ánh Tuyết -

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, do xuất phát điểm thấp và lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm nên các nước đang phát triển như Việt Nam cần tăng tốc hơn, đặc biệt trong phát triển xe điện để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050...

Từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26 sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26 sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Ngày 20/10, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” tại Hà Nội.

PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN LÀ TRỌNG TÂM

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu. Do đó, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.

Tại COP 26, Việt Nam cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế của Thoả thuận Paris.

Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cacbon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đều được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, "các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực.

 

"Trong đó, giao thông vận tải đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm. Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng chỉ rõ để thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương tiện của ngành, bên cạnh những cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng điện.

Những hạn chế về công nghệ phương tiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, do đó giá thành của xe ô tô điện còn rất cao và là rào cản lớn cho việc chuyển đổi đoàn xe và chi phí logistic ở Việt Nam.

Cùng với đó, kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi cũng là một thách thức rất lớn cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế; nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp về việc chuyển đổi phương tiện còn chưa thực sự đầy đủ...

"Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp góp phần thực hiện việc phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông", Thứ trưởng nhấn mạnh.

DOANH SỐ XE ĐIỆN CÒN KHIÊM TỐN

Thông tin về sự phát triển thị trường xe điện trên thế giới cho thấy những năm qua có những bước nhảy vọt. Theo đó, năm 2021, số lượng xe điện lên đến 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Thị trường xe điện Việt Nam cũng đang cố gắng để bắt kịp tốc độ tăng trưởng chung. Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, theo thống kê 8 tháng đầu năm, doanh số toàn thị trường ô tô gần 263.000 xe, trong đó, doanh số bán của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội VAMA lên tới 236.000 xe, chiếm đến 90%.

Nguồn: Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Nguồn: Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).

Tuy nhiên, doanh số xe điện hoá vẫn rất khiếm tốn khi 8 tháng đầu năm chỉ đạt gần 2.000 xe, gồm xe thuần điện (BEV) và xe điện hybrid (HEV)

Đề cập đến các yếu tố tác động tới sự chuyển đổi sang xe điện hóa tại Việt Nam, ông Quyết cho biết có 3 yếu tố chính.

Một là, yếu tố phát thải CO2 và cơ cấu năng lượng.

Khi các quốc gia đặt mục tiêu giảm khí thải CO2 cần tính đến cả CO2 phát thải trong quá trình sản xuất xe, sản xuất pin và CO2 phát thải trong quá trình tạo ra điện để nạp cho xe trong trường hợp của xe điện.

Hai là, yếu tố cơ sở hạ tầng (trạm sạc): trạm sạc có chi phí hợp lý. Đối với các nước phát triển về các dòng xe điện hóa, trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Trạm sạc cũng cần được bao phủ rộng rãi với chi phí hợp lý cho khách hàng.

Do đặc thù Việt Nam, hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình trong khi sạc tại nhà là một hình thức sạc phổ biến cho xe điện. Tiêu thụ điện để sạc cho xe điện đòi hỏi nguồn cung cấp điện của Việt Nam phải tăng lên rất nhiều.

Ba là, yếu tố ngành công nghiệp: chi phí sản xuất - giá xe. Để phổ cập xe điện hóa đến khách hàng, giá xe cũng là một yếu tố quan trọng.

Ở thời điểm năm 2020, chi phí trực tiếp sản xuất ra xe thuần điện cao hơn 45% so với xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ được thu hẹp lại còn khoảng 9%.

Ngoài ra, ưu đãi của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng tác động tới sự chuyển đổi xe điện hóa.

Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phủ rộng xe điện nhưng các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành giao thông vận tải do đây là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế để đẩy nhanh tiến trình này.

 

Các nghiên cứu cho thấy trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải lên đến 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả, bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, lại dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate