Khi Pat Brown làm việc ở phòng nghiên cứu của mình vào năm 2009, ông không hề có ý định khởi nghiệp, chứ chưa nói tới thành lập một công ty nhận được giải thưởng của Liên hợp quốc hay nhận hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có tỷ phú Bill Gates.
Mục tiêu của ông lúc đó "rất đơn giản". "Khi đó, tôi nghĩ rằng mình cần phải tìm ra vấn đề quan trọng nhất mà tôi có khả năng giải quyết", Pat Brown nói với CNBC.
Brown, từng là bác sĩ nhi khoa trước khi thành giáo sư Đại học Stanford, đã phát hiện ra một vấn đề - đó là "việc lạm dụng động vật trong hệ thống thực phẩm của con người" và ông quyết định dồn tâm huyết giải quyết vấn đề này.
Hành trình tìm ra thứ thay thế thịt
Brown là nhà sáng lập, giám đốc điều hành (CEO) của Impossible Foods - công ty có trụ sở tại bang California, Mỹ, đang nỗ lực tạo ra cuộc cách mạng trong suy nghĩ của con người về việc chăn nuôi với một loại thịt thay thế làm từ cây cối. Sản phẩm được biết đến rộng rãi của công ty này là "Impossible Burger."
Pat Brown, nhà sáng lập, CEO của Impossible Foods
Brown thành lập công ty này vào năm 2011 sau một thời gian làm nghiên cứu khoa học và nhận ra những tác động tiêu cực của việc sản xuất thịt đối với trái đất. Quy trình sản xuất thịt được xem là một trong những nhân tố lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, không chỉ bởi lượng khí nhà kính quá trình này tạo ra, mà còn bởi lượng nước và đất tiêu thụ.
Dù nhận thức về vấn đề này ngày càng tăng, Brown cho rằng giáo dục không làm được gì nhiều trong việc kìm hãm cơn thèm thịt của khách hàng.
Vì vậy, bỏ lại sau lưng sự nghiệp nghiên cứu khoa học và các đồng nghiệp, giáo sư 56 tuổi quyết theo đuổi việc tạo ra một sản phẩm thay thế mang lại trải nghiệm giống hệt như thịt cho khách hàng.
"Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là mang lại cho họ thứ họ muốn, tìm ra cách tốt hơn để tạo ra nó và tìm công nghệ tốt hơn so với thịt bò và thịt động vật khác", Brown cho biết.
Vài năm sau đó, đội ngũ của Impossible phát hiện ra một loại phân tử - được gọi là heme - có nhiều trong cả động vật lẫn thực vật. Phân tử này có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể và có sắc tố đỏ. Bằng việc tăng cường phân tử heme trong thực vật, các nhà khoa học của Impossible đã tạo ra được một sản phẩm có vẻ ngoài và hương vị giống hệt như thịt.
Hàng trăm triệu USD vốn đầu tư
Năm 2016, Impossible Burger ra đời. Theo trang web của Impossible Foods, so với một miếng thịt bò thông thường, việc sản xuất một chiếc burger với nhân làm từ thực vật của công ty giúp tiết kiệm được gần 7m2 đất, một nửa bồn nước tắm và giảm được lượng khí thải tương đương 30km di chuyển của một chiếc ôtô.
Với việc phát triển công nghệ này, Brown tin rằng công ty của ông sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho những người yêu thích burger, bất chấp việc ông không có nhiều kinh nghiệm kinh doanh.
May mắn cho Brown là nhiều nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng trong sản phẩm của ông. Từ khi thành lập, công ty của ông nhận được tổng cộng 396 triệu USD từ các nhà đầu tư gồm Bill Gates, Google Ventures và công ty Horizons Ventures của tỷ phú Hồng Kông Li Ka-shing.
Tỷ phú Bill Gates là một trong những nhà đầu tư của Impossible Foods - Ảnh: Getty Images.
Tất nhiên, Impossible Foods không phải là công ty duy nhất tạo ra sản phẩm làm từ thực vật thay thế thịt. Công ty Beyond Meat, cũng có trụ sở ở California cũng thu hút được lượng khách hàng lớn nhờ món burger làm từ thực vật của mình. Được thành lập vào năm 2009 bởi Ethan Brown, công ty này cùng với Impossible Foods đồng nhận Giải thưởng Champions of the Earth Award của Liên hợp quốc, ở hạng mục Khoa học và Sáng tạo. Cả hai công ty đều nhận được vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn.
Tuy nhiên, theo Brown của Impossible Foods, sản phẩm của hai công ty khác nhau nhiều. Ông cũng cho biết công ty của mình đang tập trung vào nghiên cứu và phát triển không chỉ nhằm nâng cao chất lượng burger, mà còn phát triển các sản phẩm mới gồm bít tết và cá làm từ thực vật.
"Điều quan trọng nhất là độ ngon. Điều thứ 2 là sự linh hoạt và sau đó mới đến giá trị dinh dưỡng", Brown cho biết.
Hướng tới phục vụ khách hàng châu Á
Tháng 1/2019, Impossible Foods ra mắt phiên bản mới của Impossible Burger - có tên Burger 2.0. Ngoài việc chứa muối ít hơn 30%, chất béo bão hòa ít hơn 40% và ít calories hơn, Burger 2.0 thay thế nguyên liệu cốt lõi - bột mỳ - bằng protein đậu nành, để món ăn không có gluten.
"Nếu chúng tôi thay thế toàn bộ thịt trên thế giới bằng sản phẩm làm chủ yếu từ đậu nành của mình, nguồn cung đậu nành sẽ bị giảm mạnh. Chúng tôi đang thúc đẩy việc trồng lại rừng bằng việc giảm nhu cầu đậu nành, kể cả khi đây là nguyên liệu chính trong sản phẩm của chúng tôi", Brown cho biết.
Đây là điều đặc biệt quan trọng với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng phá rừng, như một số nơi ở châu Á. Trên thực tế, châu Á sẽ là thị trường tiếp theo của Impossible Foods.
"Asia chiếm hơn 40% lượng tiêu thụ thịt trên toàn cầu. Và để thực hiện sứ mệnh của mình, chúng tôi phải phục vụ khách hàng ở châu Á càng sớm càng tốt", ông chủ Impossible Foods cho biết.
Đầu bếp Robin Ho, đầu bếp của Impossible Foods tại Prive Orchard, Singapore với món Impossible Meatball Spaghetti.
Impossible Burger đã có mặt tại Hồng Kông vào tháng 4/2018. Tháng 3 năm nay, sản phẩm này bắt đầu được bán tại 8 cửa hàng ở Singapore. Tại các cửa hàng ở đây, Impossible Foods phục vụ cả món burger thực vật này lẫn các món ăn lấy cảm hứng từ ẩm thực châu Á.
"Burger luôn được chế biến mang tính đặc trưng và chúng tôi muốn tạo sự khác biệt so với những nơi khác", Robin Ho - một đầu bếp của Impossible Foods, người đã sáng chế ra món burger Impossible Satay Slider và Impossible Meatball Spaghetti.
Các món ăn Singapore được Impossible Foods sáng tạo lại với nguyên liệu thay thế thịt bò của mình.
Impossible Foods cũng có mục tiêu mở rộng ra toàn cầu, tạo nền tảng để đưa sản phẩm của công ty lên các kệ hàng và vào bếp của các gia đình trong vài năm tới. Brown tin rằng sản phẩm của Impossible Foods có thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm thịt cao cấp trong vòng 2 - 3 năm tới.