Đây là một trong những nội dung được nêu trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Theo đó, đối với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở các đơn vị, doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng để thanh toán nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu kiến nghị này.
Qua đó, nhằm kịp thời xử lý vướng mắc về nợ đọng xây dựng cơ bản, yêu cầu các doanh nghiệp của ngành thanh toán tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo trước đó của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổng công ty ngành xây dựng nợ lương người lao động với số tiền 269 tỷ đồng, nợ tiền bảo hiểm xã hội 435 tỷ đồng; một số tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ lương gần 205 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 750 tỷ đồng.
Về việc doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu các ý kiến của Tổng Liên đoàn để bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng được giao phối hợp, tham gia chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, chủ động đánh giá những vướng mắc trong thực hiện quy định về khởi kiện của tổ chức công đoàn theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn, và khoản 1 Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Từ đó để xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là trên 13.000 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu. Số lao động tại các đơn vị chậm đóng từ 1 đến dưới 3 tháng là hơn 2,1 triệu người; từ 3 tháng trở lên là hơn 440.800 người; tại các đơn vị chậm đóng khó thu là hơn 213.300 lao động.
Trong năm 2022, năm địa phương có số tiền chậm đóng cao nhất là Hà Nội (hơn 3.600 tỷ đồng); TP.HCM (hơn 3.400 tỷ đồng); Hải Phòng (591 tỷ đồng); Cà Mau (86 tỷ đồng); Đắk Nông (44 tỷ đồng).
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị về các phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các doanh nghiệp bị nợ đóng bảo hiểm xã hội.
Việc này nhằm khắc phục tình trạng một số người sử dụng lao động phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật, nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đời sống của người lao động tại các đơn vị bị nợ đóng này gặp nhiều khó khăn, họ có nhu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội và tự nguyện đóng nộp bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng các chế độ.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng nhấn mạnh sẽ tăng thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên; kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với những doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.