July 24, 2015 | 11:13 GMT+7

"Yêu cầu Trung Quốc dừng ngay tập trận ở Hoàng Sa"

Ngô Trang

Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm

Tàu chiến của Trung Quốc đã từng vi phạm chủ quyền của Việt Nam.<br>
Tàu chiến của Trung Quốc đã từng vi phạm chủ quyền của Việt Nam.<br>
“Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; ngăn cản đà phát triển quan hệ ngoại giao của hai nước, làm phức tạp tình hình, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực”.

Đó là khẳng định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trước thông tin  từ Cục Hải sự Trung Quốc thông báo nước này tiến hành diễn tập tại khu vực bao trùm các đảo, đá phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 22 - 31/7.

Sau khi phía Trung Quốc thông báo sự việc trên, đại diện Bộ Ngoai Giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình”.

Hành động của Trung Quốc khiến không chỉ các nước liên quan trực tiếp lo ngại, mà các nước trong khu vực cũng tỏ thái độ bất bình. Trong sách trắng quốc phòng mới công bố tuần này, Nhật Bản lên án Trung Quốc thực hiện những hoạt động cải tạo các đá ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Bắc Kinh ngừng hành động đơn phương bất chấp quan ngại của các nước liên quan.

Trên Biển Đông, Trung Quốc tự vẽ ra đường 9 đoạn phi lý, chiếm gần hết vùng biển này, đi sâu vào các vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời báo giới liên quan đến tình hình bất ổn ở một số khu vực biên giới giữa Việt Nam - Campuchia trong những ngày qua, ông Lê Hải Bình nói: “Các hoạt động gây rối là không phù hợp với các thỏa thuận song phương giữa hai nước. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tốt kiểm soát tình hình, không để thêm phức tạp ở biên giới, không làm xấu đi quan hệ hai nước. Đồng thời, hai nước cũng thống nhất đẩy nhanh quá trình phân giới cắm mốc những vùng giáp biên còn lại”.

Về thông tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen gửi thư lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp, Mỹ để mượn lại những tấm bản đồ Bonne có xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từ chối bình luận.

Đối với thông tin xung quanh việc gần đây Singapore không cho nhiều phụ nữ Việt Nam nhập cảnh kéo dài lâu nay, ông Lê Hải Bình xác nhận, đây là vấn đề đã tồn tại khá lâu, nhưng gần đây có nhiều phản ánh của công dân, báo chí cũng thông tin nhiều.

“Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan trong nước và đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore cho biết thông tin. Ngày 22/7, Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore hồi âm rằng đến nay, phía Singapore chưa có thông báo chính thức nào. Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại về các thông tin liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước làm việc cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mình, phù hợp với các thỏa thuận chung, song phương giữa hai nước cũng như phù hợp với các quy tắc trong Asean”, ông Bình cho hay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate