January 19, 2024 | 18:34 GMT+7

YouTube ra mắt loạt video ngắn hướng dẫn sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp

Sơn Trần

Mới đây, YouTube cho ra mắt “Kệ thông tin sơ cứu” giúp người dùng nhanh chóng tiếp cận thông tin y tế hữu ích trong trường hợp khẩn cấp. Hầu hết video được thực hiện bởi một số tổ chức y tế và được ghim lên đầu kết quả tìm kiếm liên quan…

Nền tảng chia sẻ video trực tuyến đến từ Hoa Kỳ đang thực hiện loạt biện pháp chống thông tin y tế sai lệch trên ứng dụng, đặc biệt khi người dùng cần tìm kiếm mẹo xử lý tình huống khẩn cấp.

Ngày 10/1, YouTube đã giới thiệu tính năng “Kệ thông tin sơ cứu”, thư viện video giúp người dùng biết mình cần phải làm gì khi gặp tình huống cần sơ cứu y tế ngay lập tức như sốc thuốc, đau tim hoặc một số yếu tố đe dọa tính mạng khác, theo CNBC.

Video được sản xuất bởi nhiều tổ chức y tế lớn như Mass General Brigham và sẽ được ghim lên hàng đầu kết quả tìm kiếm có liên quan. Hiện tại, người dùng YouTube ở Hoa Kỳ có thể tìm kiếm video về một số chủ đề bao gồm hô hấp nhân tạo, co giật, nghẹt thở, chảy nhiều máu và rối loạn tâm thần. Hầu hết video đều có độ dài trong khoảng từ một đến hai phút.

Ông Garth Graham, Giám đốc toàn cầu về Chăm sóc sức khỏe và Sức khỏe cộng đồng tại YouTube, chia sẻ với CNBC "Toàn bộ ý tưởng nhằm đảm bảo thời gian nhanh chóng và cố gắng chia sẻ thông tin dễ hiểu nhất có thể". Ông nói thêm, trong trường hợp khẩn cấp, ngoài video hỗ trợ, người dân nên ưu tiên liên lạc tới đội ứng cứu ngay lập tức. 

Toàn bộ video không chứa quảng cáo, có nghĩa là YouTube không kiếm tiền từ đó, Giám đốc Graham khẳng định.

YouTube không tham gia sáng tạo nội dung, việc này được thực hiện hoàn toàn bởi chuyên gia. Ngoài Mass General Brigham, một số tổ chức y tế khác như Hội Chữ thập đỏ Mexico và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã hợp tác với YouTube để thực hiện dự án này.

YouTube ra mắt loạt video ngắn hướng dẫn sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp - Ảnh 1

KIỂM SOÁT THÔNG TIN Y TẾ GIẢ MẠO

Kiểm duyệt nội dung từ lâu đã trở thành thách thức lớn đối với YouTube, video sẽ bị xóa nếu vi phạm nguyên tắc trên nền tảng. Quá trình kiểm duyệt thường chậm trễ và tốn kém. Đặc biệt, nội dung y tế sai lệch là vấn đề lớn trong đại dịch Covid-19 khi thông tin không chính xác liên quan đến hiệu quả vắc xin, khẩu trang hay cách tự chữa tại nhà lan truyền liên tục.

Vào tháng 7/2021, hơn một năm sau khi đại dịch bùng phát, YouTube đã công bố kế hoạch gắn nhãn video đáng tin cậy sau khi công ty đối mặt với lời chỉ trích về vai trò trong việc truyền bá thông tin sai lệch. Tháng 9/2021, gã khổng lồ truyền thông đã ban hành lệnh cấm một số tài khoản anti-vaccine nổi tiếng và xóa hơn 130.000 video vi phạm chính sách đưa tin về đại dịch Covid.

Ngay cả khi đại dịch lắng xuống, thông tin y tế giả mạo vẫn không ngừng gia tăng. Ví dụ, một số nhà nghiên cứu gần đây phát hiện các video phổ biến trên YouTube liên quan đến giấc ngủ và chứng mất ngủ chứa "thông tin sai lệch và gợi ý thương mại".

Để cải thiện, đầu tháng 8 vừa qua, YouTube đã công bố quy định mới nhằm chống lại thông tin y tế không đúng sự thật, nêu rõ cách nền tảng này sẽ xóa nội dung gây hiểu lầm, đi ngược với hướng dẫn đã có từ cơ quan y tế về nhiều chủ đề bao gồm ung thư, Covid và sức khỏe sinh sản.

HIỂN THỊ NHỮNG KẾT QUẢ TÌM KIẾM HÀNG ĐẦU 

Mass General Brigham, hệ thống chăm sóc sức khỏe lớn nhất Massachusetts, chính thức hợp tác với YouTube từ năm 2021 nhằm "giúp bệnh nhân tiếp cận dễ dàng với nguồn thông tin y tế đáng tin cậy".

Tiến sĩ Merranda Logan, Phó Giám đốc Học thuật hệ thống y tế Mass General Brigham cho biết, tổ chức đã thành lập nhóm nội dung chuyên biệt nắm vững chuyên môn giáo dục y tế để kiểm soát chủ đề và nội dung video.

Đối với “Kệ thông tin sơ cứu” trên YouTube, Mass General Brigham đã sản xuất 11 video về nhiều chủ đề như đau tim, đột quỵ và co giật.

Bà Logan cho biết có rất nhiều thông tin y tế sai lệch trên không gian mạng và việc phân biệt đúng sai là một thách thức. Bà khuyên mọi người nên tìm đến chuyên gia đáng tin cậy bởi trong trường hợp khẩn cấp, "mỗi phút, mỗi giây đều vô cùng giá trị".

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những video này là những video đầu tiên bạn nhìn thấy khi tìm kiếm chủ đề liên quan trên YouTube", vị tiến sĩ trả lời phỏng vấn. "Video không thể thay thế đội ngũ cứu hộ, nhưng chúng cung cấp thông tin rõ ràng, ngắn gọn và có thể hữu ích trong trường hợp khẩn cấp".

Ví dụ, khi tìm kiếm biện pháp cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR), người dùng sẽ thấy video từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) hướng dẫn cách ứng phó trong tình huống cụ thể.

Tiến sĩ Comilla Sasson, Phó Chủ tịch AHA, cho hay: "Chúng tôi thực sự quan tâm đến việc hợp tác với một số công cụ để hiểu mọi người thường tìm kiếm thông tin ở đâu, nhằm tối ưu hóa nội dung chính xác về mặt khoa học".

Giám đốc Graham cho hay, nhờ sự hỗ trợ từ Hội Chữ thập đỏ Mexico, video ban đầu đều có sẵn phụ đề tiếng Anh và Tây Ban Nha. Mass General Brigham cũng sử dụng một trong những công cụ dịch thuật được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo từ YouTube để thể hiện thông tin bằng tiếng Tây Ban Nha.

Trong tương lai, YouTube có kế hoạch bổ sung thêm nhiều chủ đề và ngôn ngữ khác.

Vị Giám đốc nhấn mạnh thêm công ty sẽ thường xuyên làm việc với đa dạng đối tác để đảm bảo tính chính xác và cập nhật của video. “Kệ thông tin sơ cứu” là một phần trong "kế hoạch phát triển liên tục và không ngừng cải tiến chất lượng nội dung" trên YouTube.

"Điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị đối phó với loạt tình huống y tế phổ biến có thể xảy ra với chúng ta, gia đình, người thân hay những người xung quanh", ông Graham bảy tỏ. "Chúng ta nên tăng tốc chiến dịch này".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate