Dù các lý do để “buông vũ khí” đầu hàng không phải là ít, nhưng chỉ cần một lý do để tồn tại cũng là quá đủ đối với những người làm kinh doanh. Lý do đó là tạo ra của cải vật chất cho xã hội, và sáng tạo ra các giải pháp mới để góp phần giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết đang tồn tại. Đó cũng là lý do mà ông Chris Blank, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Pharmacity tạo lập nên chuỗi nhà thuốc này.
BÀI HỌC CỦA PHARMACITY
Pharmacity có hơn 600 cửa hàng tại 18/63 tỉnh thành trên cả nước cùng với 3 trung tâm phân phối tập trung và mạng lưới hậu cần tích hợp hoàn chỉnh. Chuỗi nhà thuốc này dự kiến mở rộng lên 1.000 cửa hàng tại một số tỉnh khác vào cuối năm 2021.
Theo ông Chris Blank, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pharmacity, chuỗi nhà thuốc này đã hoàn tất kế hoạch mở 5.000 cửa hàng tại Việt Nam cho đến năm 2025, thông qua đó cho phép 50% dân số Việt Nam có thể đến một cửa hàng Pharmacity trong vòng mười phút lái xe.
Bên cạnh việc đầu tư để mở rộng hệ thống nhà thuốc trên toàn quốc, doanh nghiệp dược phẩm này cũng là một doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ.
Tuy nhiên, sự xuất hiện bất ngờ và không ai trông chờ của dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này, khiến họ phải nhanh chóng thích ứng với tình hình mới và nỗ lực duy trì hoạt động các nhà thuốc nhằm liên tục cung ứng các sản phẩm dược phẩm và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Pharmacity tập trung phục vụ cộng đồng kể từ khi bắt đầu đại dịch bất chấp có rất nhiều thử thách phải đối mặt. Doanh nghiệp này duy trì việc cung cấp tất cả các dịch vụ.
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pharmacity, do hậu quả của đại dịch, Pharmacity đã tăng tốc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho ra đời một “siêu ứng dụng” và một kênh thương mại điện tử mới để nâng cao hơn nữa các dịch vụ của mình và mang đến những trải nghiệm thuận tiện hơn cho các khách hàng,” ông Chris Blank chia sẻ với VnEconomy.
Ông Chris cũng cho biết, trong các đợt bùng phát dịch, doanh nghiệp của ông cam kết cung ứng đầy đủ và không tăng giá sản phẩm tại các nhà thuốc thuộc hệ thống Pharmacity. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn nhưng công ty này vẫn kiên định với "sứ mệnh" cung cấp "thuốc giá rẻ" cho người dân đồng thời duy trì việc làm cùng nguồn thu nhập ổn định cho dược sỹ tại Việt Nam. Cụ thể đến năm 2025, Pharmacity đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ USD và tuyển dụng lực lượng lao động hơn 20.000 nhân viên, so với mức 4.000 nhân viên vào thời điểm hiện tại.
VÀ NHỮNG DOANH NGHIỆP VẪN ĐANG VÙNG VẪY
Những lời than vãn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng, trong bối cảnh những thành phố lớn vẫn thực hiện lệnh giãn cách xã hội triệt để nhằm phòng chống dịch. Ông Nguyễn Khánh Trình, CEO Cleverads, cho biết đã gần 2 năm kể từ ngày “cơn lốc” Covid tràn tới, đất nước đã trải qua 4 đợt giãn cách và lần này là nặng nhất. Lệnh giãn cách đã làm xáo trộn toàn bộ hoạt động và thay đổi các kế hoạch kinh doanh của Cleverads.
Ngân hàng Thế giới đầu năm đánh giá kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng 6,7% trong năm 2021, thì mới cách đây vài ngày hạ xuống còn 4,8%. Hơn 80.000 doanh nghiệp trong nước đã chia tay thương trường “không kèn không trống”.
“Chi nhánh TP. HCM của chúng tôi đã không được đi làm 5 tuần, trong khi Hà Nội thì lên tới hơn 1 tháng. Tôi khẳng định rằng rất nhiều SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại Việt Nam hiện nay không có đủ dòng tiền để hoạt động trong 3 tháng và sẽ “chết” nếu không được cứu!” Doanh nhân Khánh Trình bày tỏ nỗi lo ngại lớn canh cánh trong lòng.
Lấy ví dụ tại doanh nghiệp chuyên về quảng cáo như Cleverads, đây là một dạng rủi ro rất lớn. Toàn bộ công ty của ông Trình không được đi làm nhưng công ty vẫn phải đóng đầy đủ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho toàn bộ người lao động. Ông Trình nói, đây là một số tiền không nhỏ đối với một SME. “Tôi xin nhắc lại là mỗi tháng vài trăm triệu đồng!”.
Đối với vấn đề bảo hiểm xã hội, theo ông Trình, điều này rất khó hiểu bởi vì khi doanh nghiệp đang gặp rủi ro lớn, cơ quan bảo hiểm xã hội không chi trả cho người lao động của công ty ông đồng nào nhưng lại bắt doanh nghiệp đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Và chưa hết, nếu doanh nghiệp nộp chậm sẽ bị tính lãi phạt rất cao.
Người lao động không được đi làm, đang ở trạng thái thất nghiệp rõ ràng, nhưng có được nhận đồng bảo hiểm thất nghiệp nào đâu? “Vậy ý nghĩa của bảo hiểm xã hội là gì ở những thời khắc nhạy cảm như thế này đối với các doanh nghiêp?”, CEO Cleverads tỏ ra bức xúc.
Ý kiến góp ý thẳng thắn của ông Khánh Trình không phải ngoại lệ. Ông Nguyễn Hoàng, CEO IRB Group, cho biết chỉ số Nikkei Asia đánh giá khả năng chống dịch của Việt Nam ở mức 121/121 nước. Ngân hàng Thế giới đầu năm đánh giá kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng 6,7% trong năm 2021, thì mới cách đây vài ngày hạ xuống còn 4,8%. Hơn 80.000 doanh nghiệp trong nước đã chia tay thương trường “không kèn không trống”.
“Mấy ông bạn doanh nghiệp FDI Nhật Bản đã phải chào tạm biệt mà chưa hẹn ngày quay lại, đã thế họ còn kèm theo câu "Bạn tôi về nhiều lắm, vì ở đây cũng không thể phục hồi được," ông Hoàng viết trên Facebook cá nhân.
Bản thân doanh nghiệp của ông Nguyễn Hoàng cũng phải gồng mình rất nhiều trong 2 năm qua và cố gắng giải quyết rất nhiều khó khăn bủa vây. “Từ ngày 15/8/2021 tới giờ, tôi đã buộc phải hủy 8 đơn hàng xuất khẩu cao su thiên nhiên, không dám ký hợp đồng nào nữa vì tháng 8 và tháng 9 không thể đóng hàng vào container, vận chuyển ra cảng do ảnh hưởng từ việc phong tỏa tại Bình Dương và TP. HCM,” ông Hoàng thổ lộ.
Suy cho cùng, trỗi dậy hay tan biến trong bối cảnh đại dịch chưa biết đến khi nào mới chấm dứt không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp mà rất cần đến việc tháo gỡ khó khăn của Chính phủ thông qua các chính sách điều chỉnh phù hợp. Có lẽ Chính phủ đã đến lúc cần thành lập một “lực lượng đặc nhiệm” để lắng nghe và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, ngay lúc này!