Ngày 24/2, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định giao 10 doanh nghiệp nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 2/2022. Trong đó, lượng xăng nhập là 840.000m3, lượng dầu nhập hơn 1,56 triệu m3. Theo Bộ Công thương, kế hoạch này nhằm bù đắp sản lượng thiếu hụt do xăng dầu sản xuất trong nước không đạt kế hoạch.
Theo đó, 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được giao nhập khẩu gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro), Công ty Xuyên Việt Oil, Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty Dầu khí Đồng Tháp, Công ty Thiên Minh Đức, và Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Mipec).
Những đầu mối xăng dầu quy mô lớn hiện vẫn bảo đảm nguồn cung cho đến hết tháng 2 này. Nhưng nếu tình hình không được cải thiện thì nguy cơ thiếu hụt xăng dầu sẽ xảy ra trong tháng 3 tới. Nguồn cung trên thế giới tuy có khó khăn nhưng không đến nỗi khan hiếm, DN vẫn mua được hàng với điều kiện phải chấp nhận giá cao.
Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp phải nhập khẩu số lượng không thấp hơn sản lượng được giao bổ sung lần này.
Theo Bộ Công thương, dự kiến từ ngày 15/3, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động với 85% công suất và từ tháng 4-2022 sẽ hoạt động đủ với 100% công suất. Tuy nhiên, việc tăng nhập khẩu trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước trước dự báo giá xăng dầu thế giới có thể tăng.
Hiện, trong bối cảnh Việt Nam đang hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu tăng "nóng" đã tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp để ứng phó và hỗ trợ kinh tế phục hồi, phát triển.
Theo dự báo chênh lệch cung cầu vẫn tiếp tục, giá dầu cán ngưỡng 100 USD/thùng không còn xa trong khi nguồn cung đang thiếu hụt trên toàn cầu. Khi đó, với vai trò là một trong hai cơ quan tham gia điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ tính toán đề xuất sử dụng các công cụ khác là thuế, phí. Phương án này đã được Bộ Công Thương đề xuất trước đó, khi giá dầu đã từng tăng rất mạnh ở thời điểm tháng 10/2021. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ thuế, phí vẫn đang được các cơ quan hữu quan xem xét.
Hiện tại, thị trường xăng dầu cũng đang "phản ứng" mạnh với tình hình chiến sự tại Ukraine. Nếu trong thời gian ngắn, xung đột không hạ nhiệt, rất có thể giá xăng dầu trên thế giới sẽ còn tăng mạnh.