February 22, 2022 | 23:41 GMT+7

Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng

Vũ Khuê -

Gần 300 cửa hàng ngưng bán hàng với nhiều lý do khác nhau như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại; ngừng bán hàng đã được Sở Công Thương chấp thuận; hết xăng, dầu...

Phát hiện nhiều cửa hàng còn xăng nhưng không bán với nhiều lý do.
Phát hiện nhiều cửa hàng còn xăng nhưng không bán với nhiều lý do.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ ngày 28/1/2022 đến ngày 21/2/2022, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Kết quả đã phát hiện gần 300 cửa hàng ngưng bán hàng với các lý do khác nhau. Trong đó, 101 cửa hàng ngưng bán hàng vì giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại; 44 cửa hàng cho biết việc ngừng bán hàng đã được Sở Công Thương chấp thuận; 3 cửa hàng ngưng bán hàng trái phép; 38 cửa hàng ngưng bán vì hết xăng, dầu; 94 cửa hàng đưa ra lý do khác.

Điển hình, tại Hà Tĩnh, Đội quản lý thị trường số 5 đã tiến hành xử lý 2 cửa hàng gồm Cửa hàng xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền tại thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn và Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh.

Lý do vi phạm là do không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Tổng số tiền phạt là 45 triệu đồng.

Tại Sơn La, Cục quản lý thị trường Sơn La đã tiến hành xử lý 2 cửa hàng (cửa hàng bán lẻ xăng dầu Chiềng Xôm (Công ty TNHH MTV Trường Đức) và cửa hàng bán lẻ xăng dầu Công ty cổ phần Thủy Sản Sơn La) về các hành vi vi phạm chủ yếu là niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định. Tổng số tiền xử phạt 10 triệu đồng.

Tại Hậu Giang, 2 cửa hàng đóng cửa đã bị Đoàn kiểm tra Cục quản lý thị trường Hậu Giang lập biên bản, xử phạt và kiến nghị rút giấy phép gồm: Cửa hàng xăng dầu An Thịnh, ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang (thương nhân phân phối là Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng) và Cửa hàng xăng dầu Vị Thanh, số 132, đường 3/2, Phường 5, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang (thương nhân phân phối là Công ty Cổ phần xăng dầu Quân Bảo).

Tại Hà Nội, có 3 cửa hàng đang ngừng bán hàng với các lý do khác nhau: tạm ngừng hoạt động kinh doanh sau khi đã có chấp thuận của Sở Công Thương để giải quyết tranh chấp dân sự (cửa hàng xăng dầu Nam Trung Yên, Lô C12-1/ĐX1, KĐT Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).

Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, hiện đang ngừng hoạt động, không có xăng dầu (cửa hàng xăng dầu thuộc Hợp tác xã thương mại Đồng Tâm, địa chỉ xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đang xử lý theo quy định)

Đã thông báo với Sở Công Thương xin ngừng bán hàng từ 12h ngày 17/02/2022 do nhiều nhân viên cửa hàng bị mắc Covid-19 (cửa hàng xăng dầu Định Công thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ nhà ở và khu đô thị - trung tâm dịch vụ Linh Đàm, địa chỉ: KĐT Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Còn tại TP.HCM có 548 cửa hàng, qua kiểm tra, giám sát cho thấy có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng Ron 95 để bán nhưng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán.

Nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ.

Nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 – chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh.

Tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate