Trong bản báo cáo tháng 1/2021 vừa được công bố, EIU cho biết đây là lần đầu tiên Tel Aviv chiếm vị trí số 1 trong xếp hạng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu. Năm ngoái, thành phố này xếp thứ 5.
Cũng theo EIU, việc Tel Aviv nhảy 4 bậc trong xếp hạng chủ yếu do tỷ giá đồng Shekel của Israel tăng giá mạnh so với đồng USD vì chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid thành công ở nước này.
Israel là một trong những nước triển khai chương trình tiêm phòng Covid nhanh nhất trên thế giới. Theo dữ liệu từ Our World in Data, tỷ lệ dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine ở Israel hiện đạt gần 63% và tỷ lệ tiêm mũi tăng cường đã đạt hơn 44%.
Từ đầu năm đến tháng 11, đồng Shekel đã tăng giá khoảng 4% so với đồng USD – hãng tin Reuters cho hay – những sau đó đã giảm giá trở lại.
Trong cuộc khảo sát mới nhất của EIU, khoảng 1/10 số hàng hoá và dịch vụ tăng giá ở Tel Aviv trong năm nay. Cuộc khảo sát này xem xét giá của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 173 thành phố trên thế giới.
Ngoài ra, EIU cũng cho biết, tốc độ lạm phát giá của các mặt hàng được theo dõi trên toàn cầu, tính theo đồng nội tệ của các quốc gia, đã tăng 3,5% trong thời gian từ đầu năm tính đến tháng 9, so với mức tăng chỉ 1,9% trong năm ngoái. Đây là mức tăng giá mạnh nhất mà báo cáo của EIU ghi nhận trong 5 năm qua.
Gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá hối đoái, và những thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng đã dẫn tới sự tăng giá của hàng hoá và dịch vụ, theo EIU. Giao thông là nhóm tăng giá mạnh nhất, với giá xăng tăng bình quân 21% trên toàn cầu trong năm nay.
Bà Upasana Dutt, trưởng bộ phận chi phí sinh hoạt toàn cầu của EIU, nói rằng giá cả có thể tăng cao hơn tại nhiều thành phố trong năm tới, một phần do tiền lương tăng lên.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất, một cách thận trọng, để ngăn lạm phát”, bà Dutt nói. Vị chuyên gia nói thêm rằng khi lãi suất tăng lên, giá cả sẽ bắt đầu suy yếu từ mức hiện tại.
Thủ đô Paris của Pháp giảm một bậc xuống vị trí thứ hai trong xếp hạng, theo sau là Singapore. Thủ đô Rome của Italy tụt hạng mạnh nhất, từ vị trí 32 xuống 48, nhờ giá thực phẩm và quần áo giảm. Trái lại, thủ đô Tehran của Iran nhảy từ vị trí 79 lên 29 do chi phí sinh hoạt không ngừng tăng kể từ khi Mỹ tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế lên nước này.
Cũng theo báo cáo, Hồng Kông là thành phố có giá xăng đắt đỏ nhất thế giới, 2,5 USD/lít. Thủ đô Damascus của Syrian vẫn là thành phố có giá sinh hoạt rẻ nhất thế giới.
Dưới đây là 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021, theo xếp hạng của EIU:
1. Tel Aviv, Israel
2. Paris, Pháp
3. Singapore
4. Zurich, Thuỵ Sỹ
5. Hồng Kông, Trung Quốc
6. New York, Mỹ
7. Geneva, Thuỵ Sỹ
8. Copenhagen, Đan Mạch
9. Los Angeles, Mỹ
10. Osaka, Nhật Bản