Singapore một lần nữa được xếp hạng là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài, và cùng chia sẻ vị trí này với Zurich của Thuỵ Sỹ - theo báo cáo vừa được công bố từ tổ chức nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU).
Đây là lần thứ 9 trong 11 năm qua Singapore dẫn đầu danh sách này, trong khi Zurich nhảy lên vị trí đồng hạng nhất của báo cáo năm nay từ vị trí thứ 6 của xếp hạng năm ngoái.
New York, thành phố chung hạng 1 với Singapore vào năm ngoái, trượt xuống vị trí thứ 3 trong xếp hạng năm nay. Ở vị trí này cùng với New York còn có Geneva của Thuỵ Sỹ - theo báo cáo khảo sát mỗi năm hai lần mang tên Chi phí sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living).
Cuộc khảo sát mới nhất diễn ra từ ngày 14/8-11/9 năm nay đã so sánh giá cả của 200 hàng hoá và dịch vụ được sử dụng với tần suất cao tại 173 thành phố trên thế giới.
EIU cho biết Singapore giữ vị trí số 1 do giá cao ở các mặt hàng thực phẩm, đồ uống có cồn, quần áo, và chi phí sở hữu phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi đó, đồng nội tệ mạnh và giá cao ở các mặt hàng gia dụng và dịch vụ giải trí là nguyên nhân đưa Zurich lên vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Nhà phân tích cấp cao Syetarn Hansakul của EIU nhấn mạnh rằng cũng giống như Hồng Kông ở vị trí thứ 5, Singapore là một thành phố nhỏ với vị trí một trung tâm tài chính thành công. “Theo lẽ tự nhiên, khi bạn có một diện tích hẹp tập trung nhiều người được trả lương cao, tình trạng lạm phát do cầu kéo sẽ xảy ra ở một mức độ nhất định do cạnh tranh về nhà ở và các tài nguyên khác”, ông Hansakul nói với hãng tin CNBC.
Kết quả khảo sát của EIU cũng cho thấy nhiều thành phố tiếp tục chứng kiến giá cả leo thang mạnh do lạm phát cao. Trên phạm vi toàn cầu, giá cả sinh hoạt tại các thành phố được khảo sát tăng bình quân 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái nếu tính theo nội tệ. Mức tăng này đã giảm 0,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát cùng kỳ năm ngoái, nhưng còn cao hơn so với xu hướng từ năm 2017-2021.
Lạm phát ở châu Á tương đối thấp so với phần còn lại của thế giới, và đó là lý do vì sao chỉ có 2 thành phố châu Á nằm trong top 10 - ông Hansakul giải thích.
“Tính bình quân, chi phí sinh hoạt trên thế giới trong năm nay tăng 7,4%. Nhưng ở châu Á, mức tăng bình quân chỉ là 3%”, ông Hansakul cho biết, và nói thêm rằng nhiều nước châu Á đã kiểm soát giá cả tốt hơn so với Mỹ và các nước châu Âu.
EIU dự báo lạm phát trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2023, nhưng cảnh báo nếu chiến tranh ở Gaza leo thang, đẩy giá năng lượng tăng, hay hiện tượng thời tiết El Nino mạnh hơn dự báo, dẫn tới giá lương thực-thực phẩm tăng cao hơn, đều có thể khiến lạm phát giảm chậm hoặc thậm chí tăng mạnh trở lại.
Các thành phố giảm hạng mạng trong xếp hạng của EIU chủ yếu là của Trung Quốc và Nhật Bản. Nguyên do là đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng yên Nhật mất giá trong năm nay, khiến chi phí sinh hoạt ở hai quốc gia này rẻ đi từ góc độ của người nước ngoài mang ngoại tệ tới để chi tiêu. Các thành phố Nam Kinh, Vô Tích, Đại Liên và Bắc Kinh của Trung Quốc đều giảm trên 25 bậc, trong khi Tokyo và Osaka của Nhật Bản giảm tương ứng 23 bậc và 27 bậc.
Trong top 10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, có 2 thành phố châu Á, 4 thành phố châu Âu và 3 thành phố Mỹ. Tel Aviv của Israel cũng nằm trong top 10 nhưng EIU lưu ý rằng cuộc khảo sát diễn ra trước khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra.
Dưới đây là top 10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, theo xếp hạng của EIU:
1. Singapore - đồng hạng;
2. Zurich, Thuỵ Sỹ - đồng hạng;
3. Geneva, Thuỵ Sỹ - đồng hạng;
4. New York, Mỹ - đồng hạng;
5. Hồng Kông, Trung Quốc - đồng hạng;
6. Los Angeles, Mỹ;
7. Paris, Pháp;
8. Copenhagen, Đan Mạch - đồng hạng;
9. Tel Aviv, Israel - đồng hạng;
10. San Francisco, Mỹ.