August 26, 2022 | 15:20 GMT+7

12 nhóm hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Vũ Khuê -

Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách với tổng cộng 15 báo cáo phản hồi hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan (Trung Quốc)....

CNFI cho rằng mặt hàng clinker xi măng Việt Nam đã bán phá giá.
CNFI cho rằng mặt hàng clinker xi măng Việt Nam đã bán phá giá.

Báo cáo điều tra hàng hóa uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan (Trung Quốc) năm 2022 chủ yếu đề cập tới hàng nhập khẩu từ các đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ai Cập, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain (một quốc gia quân chủ Ả Rập trên vịnh Ba Tư) , Hà Lan và Hoa Kỳ.

Theo Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, báo cáo này vừa được Tổng hội Công nghiệp toàn quốc Đài Loan (Trung Quốc) (CNFI) công bố mới đây.

Trong đó, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách với 37,9% tổng số các báo cáo. Việt Nam đứng thứ 2 trong danh sách với tổng cộng 15 báo cáo phản hồi hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan (Trung Quốc), chiếm 14,6% tổng số các báo cáo. Tiếp đến là hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc.

Trong danh sách nhóm các mặt hàng nhập khẩu được coi là uy hiếp thị trường nội địa Đài Loan (Trung Quốc) có 12 nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Bao gồm: mặt hàng clinker dùng để sản xuất xi măng có mã CCC code: 25231090003; khăn, giấy lau tẩm cồn có mã CCC code: 38089420001; mặt hàng sợi bông đơn tự nhiên không chải kỹ, có tỷ trọng bông từ 85% trở lên có mã CCC code 52051100108; hàng xơ sợi polyester khác, chủ yếu hoặc chỉ được trộn với sợi bông nhân tạo (thương nhân gọi là chỉ sợi trắng SPUN T/R) có mã CCC Code 55095100004…

Ngoài ra là các mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim cuộn cán phẳng được mạ hoặc tráng thiếc, có độ dày dưới 0,5 mm có mã CCC Code 72101200008; mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim (không lượn sóng) cuộn cán phẳng được mạ hoặc tráng kẽm; mặt hàng sắt hoặc thép không hợp kim cuộn cán phẳng được mạ hoặc tráng ô-xít crôm hoặc hỗn hợp crôm và oxit crôm có mã CCC Code 72105000001…

Sau khi báo cáo được công bố, CNFI khuyến nghị chính quyền Đài Loan - Trung Quốc đưa các mặt hàng vào hệ thống cảnh báo sớm, áp thuế chống bán phá giá và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu và tiến hành biện pháp cấp giấy phép nhập khẩu, tức là các nhà sản xuất Đài Loan - Trung Quốc phải đồng ý mới được phê duyệt nhập khẩu với một số nhóm hàng cụ thể.

Đối với nhóm hàng là các loại thùng tráng thiếc, CNFI khuyến nghị chính quyền Đài Loan - Trung Quốc ngoài thực hiện các biện pháp cứu phòng vệ thương mại cần tăng cường kiểm tra nhãn mác xuất xứ, tăng cường kiểm tra theo đợt, giám sát nghiêm ngặt việc khai báo trị giá hải quan, đồng thời đưa ra vào hệ thống giám sát cảnh báo sớm.

Đối với mặt hàng clinker xi măng, CNFI cho hay, các loại clinker xi măng (mã CCC 25231090003) nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đã bán giá thấp hơn mức 150-200 Đài tệ/tấn so với các nhà sản xuất nội địa để chiếm lĩnh thị trường.

Trong đó, năm 2019 lượng nhập khẩu từ Thái Lan là 345.278 tấn, thị phần là 2,9% và tăng lên lên mức 443.930 tấn vào năm 2021, với thị phần là 3,4%. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 là 1.450.070 tấn, thị phần 12,1% và năm 2021 lượng nhập khẩu giảm còn 594.082 tấn, thị phần 4,5% nhưng các doanh nghiệp Đài Loan - Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi giá bán thấp.

Ngoài ra, việc nhập hàng rời từ 3 đối tác này cập cảng bốc dỡ lộ thiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng chi phí xã hội. CNFI đề nghị chính quyền Đài Loan–Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với các nhà nhập khẩu cạnh tranh với giá thấp; yêu cầu các nhà nhập khẩu sử dụng tàu chở hàng rời đặc biệt để giảm ô nhiễm; tiến hành kiểm tra việc dỡ hàng phát thải bụi và loại bỏ thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn; tăng cường kiểm tra chất lượng, nhãn mác đối với xi măng nhập khẩu, tăng mức xử phạt đối với các sản phẩm không đạt chất lượng, đồng thời yêu cầu Cục Quản lý thuế kiểm tra nghiêm việc trốn thuế hàng hóa.

Nhà sản xuất khăn, giấy tẩm cồn của Đài Loan - Trung Quốc chỉ ra rằng các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đã đe dọa nghiêm trọng đến thị trường nội địa, nghi ngờ việc sử dụng cồn sử dụng chưa được cơ quan kiểm tra công chứng trong nước chứng nhận, sử dụng cồn công nghiệp với quan ngại về chất lượng có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam nghi ngờ có chất lượng kém, định hướng giá rẻ đã đe dọa sản phẩm chất lượng cao sản xuất trong nước. CNFI khuyến nghị cơ quan hải quan Đài Loan - Trung Quốc tăng cường kiểm tra mác xuất xứ, tăng cường kiểm tra theo từng lô nhập khẩu, hoặc cấm toàn bộ hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, khuyến nghị chính quyền Đài Loan - Trung Quốc yêu cầu các nhà nhập khẩu cần nộp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất khăn, giấy tẩm cồn tại nước sản xuất.

Đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, kết quả điều tra của CNFI cho thấy, 26,4% khuyến nghị sử dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá; 18,1% đề nghị thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, 6,9% đề nghị tăng cường kiểm tra hải quan tại biên giới và dán nhãn xuất xứ, 18,1% đề nghị kiểm tra từng lô hàng, 12,5% đề nghị giám sát chặt chẽ việc khai báo trị giá hải quan, 1,4% đề nghị đưa vào hệ thống giám sát cảnh báo sớm.

Trên cơ sở thông tin từ Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm như thép, clinker, sơ xợi và một số mặt hàng nêu trên rà soát lại các hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang Đài Loan - Trung Quốc và theo dõi chặt chẽ các động thái của thị trường để kịp thời xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp cần thiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate