July 29, 2022 | 18:50 GMT+7

12 sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Vũ Khuê -

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách 12 sản phẩm của Việt Nam có nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh hoặc biện pháp phòng vệ thương mại...

Các sản phẩm từ gỗ luôn nằm trong danh sách cảnh báo sớm của Bộ Công Thương.
Các sản phẩm từ gỗ luôn nằm trong danh sách cảnh báo sớm của Bộ Công Thương.

Danh sách được cập nhật đến tháng 7/2022. Trong đó có 4 sản phẩm từ gỗ có nguy cơ lớn.

Cụ thể, gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS tham khảo: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 7 năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 662 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2017.

Tháng 10 năm 2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Hoa Kỳ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.

Tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Sau ba lần gia hạn, DOC dự kiến ban hành kết luận điều tra vào giữa tháng 10 năm 2022.

Sản phẩm thứ 2 là tủ gỗ (Wooden cabinets and vanities) xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mã HS tham khảo: 9403.40, 9403.60, 9403.90. Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 4 năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng khoảng 50%).

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2,7 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 02 năm 2020 với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.

Căn cứ đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ Hoa Kỳ, cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi của biện pháp phòng vệ thương mại và có lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc hay không.

Hiện DOC đang tiếp nhận thông tin, ý kiến của các bên liên quan đối với những cáo buộc của nguyên đơn.

Thứ ba là ghế sofa có khung gỗ (Seats with wooden frames, upholstered) xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mã HS tham khảo 9401.61. Sản phẩm bắt đầu được cảnh báo từ tháng 11 năm 2020. Kim ngạch của Việt Nam đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng.

Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ. Mặt hàng này nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế 25%.

Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương cho rằng tồn tại khả năng Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh thuế đối với mặt hàng ghế sofa nhập khẩu từ Việt Nam.

Gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục, mã HS 4409.10, 4409.22, 4409.29 bắt đầu được cảnh báo từ tháng 8 năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 11 năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 59 triệu USD, tăng 236% so với cùng kỳ năm trước.

Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh từ tháng 7 năm 2021. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Mặc dù tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ còn thấp nhưng Hoa Kỳ đã áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12 năm 2020 với mức thuế suất tương đối cao.

Ngoài ra, đá nhân tạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mã HS tham khảo 6810.99 cũng nằm trong nhóm cảnh báo sớm của Bộ Công Thương.

Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD. Đặc biệt từ thời điểm tháng 6 năm 2019 sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng rất mạnh.

Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, kim ngạch của Việt Nam đạt 329 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 18,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cơ quan Hải quan và Biên giới Hoa Kỳ đang điều tra một công ty bị cáo buộc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc thông qua việc chuyển tải sản phẩm này qua Việt Nam.

Các sản phẩm gạch men, mã HS 6907.21, 6907.22, 6907.23, 6907.30, 6907.40; xe đạp điện mã HS 8711.60; vỏ bình ga mã HS 7311.00; ghim đóng thùng; pin năng lượng mặt trời; thép các-bon chống ăn mòn (CORE) và ống thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng nằm trong nhóm có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate