October 15, 2024 | 20:24 GMT+7

14 tổng chưởng lý Hoa Kỳ kiện TikTok với cáo buộc gây hại cho trẻ em

Bảo Ngọc -

Một nhóm lưỡng đảng gồm 14 tổng chưởng lý Hoa Kỳ vừa đệ đơn kiện gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok…

Hàng chục tiểu bang Hoa Kỳ đâm đơn kiện TikTok vì cáo buộc gây hại cho trẻ em.
Hàng chục tiểu bang Hoa Kỳ đâm đơn kiện TikTok vì cáo buộc gây hại cho trẻ em.

Theo Euronews Next, tổng cộng 14 tiểu bang của Hoa Kỳ và Thủ đô Washington, D.C. đã đệ đơn kiện TikTok vào ngày 8/10 vừa qua, cáo buộc ứng dụng video phổ biến gây hại cho sức khỏe tâm thần giới trẻ.

Vụ kiện bắt nguồn từ cuộc điều tra toàn quốc về TikTok, được liên minh lưỡng đảng gồm nhiều tổng chưởng lý đến từ các tiểu bang khác nhau khởi động vào tháng 3/2022, với một số khiếu nại đã đệ trình lên Tòa án tiểu bang.

Trọng tâm của vụ kiện xoay quanh thuật toán TikTok, thuật toán đề xuất nội dung video mà người dùng mong muốn xem trên nền tảng trong danh mục "For you" bằng cách tìm hiểu, theo dõi sở thích cá nhân.

Ngoài ra, vụ kiện cũng nhấn mạnh một số tính năng thiết kế được cho là khiến trẻ em nghiện nền tảng, chẳng hạn như tính năng lướt vô tận các nội dung, thông báo đẩy đi kèm với tiếng chuông tích hợp hay filter khuôn mặt dễ thương tạo ra vẻ ngoài hoàn hảo tuyệt đối dành cho người dùng.  

Trong hồ sơ đệ trình, Washington, D.C. gọi thuật toán của TikTok là “liều dopamine gây nghiện”, được tạo ra với mục đích có chủ ý giúp công ty thao túng người dùng trẻ sử dụng quá mức, truy cập ứng dụng trong nhiều giờ liên tiếp.

TikTok quyết tâm theo đuổi chiến lược mặc dù nhận thức được hành vi có thể dẫn đến "tác hại sâu sắc về mặt tâm lý và sinh lý", chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần và một số vấn đề sức khỏe khác, đơn khiếu nại cho biết.

Tổng chưởng lý Washington, D.C. Brian Schwalb cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "TikTok đang kiếm lợi nhuận từ việc khiến giới trẻ trở nên nghiện nền tảng của hãng".

Ông Schwalb nhận định chiến thuật giữ người dùng ở lại thật lâu trong ứng dụng chính là "cách công ty tạo ra doanh thu quảng cáo khổng lồ".

"Nhưng thật không may, đây cũng là cách ứng dụng gây ra vô số tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người dùng", vị tổng chưởng lý nói thêm.

Thực tế, TikTok không cho phép trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký dịch vụ chính và hạn chế một số nội dung đối với nhóm đối tượng dưới 18 tuổi.

Nhưng Washington và một số tiểu bang khác thể hiện trong hồ sơ rằng nhóm người không đủ tuổi có nhiều cách dễ dàng “lách luật” để truy cập vào dịch vụ mà người lớn sử dụng mặc dù công ty tuyên bố nền tảng của TikTok an toàn cho trẻ em.

Vụ kiện trên cũng nhắm vào nhiều bộ phận kinh doanh khác của gã khổng lồ truyền thông xã hội đến từ Trung Quốc.

TIKTOK VƯỚNG VÔ SỐ CÁO BUỘC

Washington, D.C. cáo buộc TikTok đang hoạt động như một "ứng dụng tài chính ảo không được cấp phép" bằng cách cho phép người dùng mua bán TikTok Coin, loại tiền điện tử trong nền tảng, và gửi "Quà tặng" cho những ngôi sao phát trực tiếp trên TikTok LIVE. Toàn bộ “Quà tặng" đều có thể đổi thành tiền mặt sau đó. TikTok thường lấy 50% hoa hồng cho các giao dịch tài chính nhưng chưa đăng ký trở thành đơn vị chuyển tiền với Bộ Tài chính Hoa Kỳ hay các cơ quan chức năng trong tiểu bang, theo đơn khiếu nại.

Nhóm quan chức nhận định đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên bị lôi kéo vào các nội dung khiêu dâm thông qua tính năng phát trực tiếp của TikTok, cho phép ứng dụng về cơ bản hoạt động như một "vũ trưởng ảo" mà không có bất kỳ giới hạn độ tuổi nào. Rõ ràng, khoản hoa hồng mà công ty nhận được từ các giao dịch tài chính như tặng quà, mua bán, trao đổi, v.v. cho phép TikTok hưởng lợi từ việc khai thác nội dung tương tự.

Nhiều tiểu bang đã đệ đơn kiện TikTok và một số công ty công nghệ khác trong vài năm qua khi nhiều nền tảng truyền thông xã hội lớn đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng và gây ra tác động mạnh mẽ đối với cuộc sống của giới trẻ. Trong một số trường hợp, những thách thức này lại trở thành điểm thuận lợi giúp Chính phủ các nước tổ chức giáo dục công chúng về tệ nạn xã hội.

TikTok, nói riêng, đang phải đối mặt với những thách thức khổng lồ ở cấp độ quốc gia và theo luật mới, ứng dụng có thể bị cấm tại Hoa Kỳ vào giữa tháng 1 năm sau nếu công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance, không bán nền tảng và rút vốn.

Cả TikTok và ByteDance đều đang nỗ lực kháng cáo đạo luật tại Tòa phúc thẩm Washington D.C. Hội đồng gồm ba thẩm phán đã lắng nghe toàn bộ cuộc tranh luận trên phiên tòa vào tháng trước và dự kiến ​​đưa ra phán quyết trong tương lai gần. Nếu không đồng ý với kết quả, công ty có thể kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate