Tại Hội nghị thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ toàn quốc năm 2023 vừa diễn ra ở Cần Thơ, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết năm 2022, thanh tra ngành đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 6.080 cơ sở, trong đó thanh tra hành chính 20 cơ sở; kiểm tra chuyên ngành 6.060 cơ sở.
Thanh, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa; sở hữu công nghiệp; an toàn bức xạ; hoạt động về khoa học công nghệ; thực hiện nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học công nghệ. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 309 cơ sở với tổng số tiền 7,8 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra ngành Khoa học và Công nghệ đã thanh tra, kiểm tra đối với 3.057 cơ sở, trong đó thanh tra hành chính đối với 14 cơ sở, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 3.043 cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 163 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 3,5 tỷ đồng...
Về công tác phòng chống tham nhũng, Bộ đã thực hiện thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Trong 6 tháng đầu năm 2023, chưa phát hiện vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương cũng chưa phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, công tác thanh tra còn một số vướng mắc, trong đó có một số quy định pháp luật chưa rõ ràng; việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ còn một số hạn chế; vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể...
Do đó, trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra ở trung ương và địa phương. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ theo hướng tập trung rà soát các văn bản, chính sách và quy trình quản lý, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước để phát hiện và khắc phục kịp thời trong quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tiêu cực phát sinh trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước dành cho nhiệm vụ khoa học công nghệ. Thanh tra Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương kiện toàn, bảo đảm duy trì tổ chức thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ có phạm vi rộng, tính chuyên môn sâu, bao gồm các lĩnh vực: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ. Đây là các lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Điều đó đặt ra nhiều yêu cầu khó khăn, thách thức đối với hoạt động thanh tra trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trong thời gian qua, hoạt động thanh tra chuyên ngành đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, hoạt động thanh tra nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học công nghệ; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hóa; bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đã góp phần bảo đảm hoạt động, tuân thủ theo các quy định của pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho khoa học công nghệ.