December 28, 2024 | 09:52 GMT+7

19,2 tỷ USD/20 tỷ USD giá trị sản xuất của Khu Công nghệ cao TP.HCM năm 2024 là do xuất khẩu

Bạch Dương -

Trong năm 2024, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 ước đạt 20,05 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023...

Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 19,20 tỷ USD.
Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 19,20 tỷ USD.

Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao ước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu ước đạt 17,03 tỷ USD tăng 16,1 % so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo thông tin trên tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mới đây. 

Năm qua, Ban Quản lý đã cấp 4 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 3 dự án nước ngoài. Đến nay, đã có 160 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 12,167 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, trong thời gian tới, Khu Công nghệ cao hướng đến mục tiêu trở thành một trung tâm đổi mới thông minh mang tầm vóc toàn cầu. Điều này đòi hỏi xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên biệt, tạo ra môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, và khẳng định vai trò trung tâm của các cụm đổi mới trong khu vực, đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Năm 2024, Khu Công nghệ cao phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư và Tổ công tác hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR). 

Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á tham gia vào mạng lưới Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới. Trung tâm này đã góp phần hình thành các hệ sinh thái công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo…

Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao đã hợp tác với các chuyên gia để xây dựng và giảng dạy các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, mở rộng mạng lưới hợp tác, chế tạo thử nghiệm, tiếp cận các công ty công nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ vi cơ điện tử và phát triển vật liệu mới. 

Khu Công nghệ cao đã tổ chức 114 lớp về an toàn vệ sinh lao động; 7 lớp chuyên đề về kỹ thuật, kỹ năng phần mềm cho 261 học viên theo nhu cầu đặt hàng từ các đối tác. 

Bên cạnh đó, thời gian tới, ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, mô hình quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ những hoạt động trên, Khu Công nghệ cao đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp mới nổi, tạo việc làm thu nhập cao dựa trên R&D và thương mại hóa với quỹ đạo công nghệ vượt trội, trở thành địa điểm tối ưu cho việc thực hiện chiến lược chuyên môn hóa thông minh theo ngành,  hoạt động như một chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế khu vực và các mạng lưới toàn cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quốc tế hóa các doanh nghiệp Việt Nam,...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với tốc độ phát triển như hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, các Khu Công nghệ cao là cấu phần không thể thiếu đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để cùng Khu Công nghệ cao tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của Khu Công nghệ cao phát triển trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate