TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với VnEconomy về câu chuyện có nên giữ mức thu kinh phí 2% công đoàn như hiện nay hay không?
TS. Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh rằng tài chính công đoàn là vấn đề rất quan trọng. Chẳng thế mà, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% đã được quy định trong Luật Công đoàn 2012, có thêm nguồn kinh phí này là góp phần tăng trách nhiệm và động lực để tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo cho người lao động, nhưng với trường hợp quỹ này phải được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Theo quy định về kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn năm 2020, doanh nghiệp được sử dụng 70% tổng số thu phí công đoàn (tăng 1% so với năm 2019), công đoàn cấp trên được sử dụng 30% tổng số thu phí công đoàn (giảm 1% so với năm 2019).
Với tỷ lệ này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, nguồn thu phí công đoàn nên được sử dụng hết ở cấp dưới thì hợp lý hơn thay vì tập trung ở cấp trên. "Rõ ràng đây là tiền của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ cùng với công đoàn cơ sở dùng nó vào các chương trình để nâng cao đời sống cho người lao động thì sẽ hiệu quả hơn, nên tôi nghĩ đưa lên công đoàn cấp trên là không đúng lắm", TS. Nguyễn Thị Lan Hương bày tỏ.
Mặt khác, qua phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay mức thu 2% kinh phí công đoàn trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là quá cao, trong khi tỷ lệ chi trực tiếp chăm lo cho người lao động trong tổng nguồn thu còn thấp. Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, trước mắt nên xem xét giảm mức thu kinh phí công đoàn xuống còn 1% và số thu này nên tập trung cho công đoàn chuyên trách tại cơ sở.
Thậm chí về lâu dài, vị chuyên gia cho rằng, kinh phí công đoàn nên quy định chi tiết đối với từng nhóm doanh nghiệp thay vì thu đồng đều mức 2% như hiện nay, bởi có những doanh nghiệp quy mô lớn nên mức đóng sẽ rất cao, trong trường hợp không được sử dụng hết sẽ gây ra những bất cập.
"Nếu không bỏ mức thu 2% thì theo tôi nên hạ xuống 1%, đặc biệt phải phân biệt theo quy mô doanh nghiệp và tổng số lao động, giảm mức đóng ở nơi không có tổ chức công đoàn. Nguồn kinh phí này nên sử dụng để tái đầu tư tại chỗ cho người lao động, chăm lo phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường khả năng tái sản xuất sức lao động tại doanh nghiệp. Yêu cầu doanh nghiệp đóng thì tất cả người lao động của doanh nghiệp phải được hưởng", TS. Nguyễn Thị Lan Hương nói và cho rằng, trong bối cảnh sắp tới sẽ có thêm tổ chức công đoàn bên cạnh Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì kinh phí công đoàn tới đây cũng phải được phân chia hợp lý giữa các tổ chức với nhau.
"Vấn đề sẽ càng trở nên phức tạp hơn chứ không đơn giản như chỉ có một tổ chức đại diện người lao động, nhất là khi hiện nay chưa có tiền lệ để tách bạch việc sử dụng nguồn thu này trong tổng thu tài chính công đoàn", TS. Nguyễn Thị Lan Hương lưu ý.