Thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất), góp ý dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu đều nhấn mạnh về tổ chức chính quyền địa phương, chủ trương của Đảng rất rõ là xây dựng chính quyền 2 cấp (cấp tỉnh, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở là xã, phường và đặc khu đối với hải đảo).
Theo các đại biểu, chủ trương này không làm giảm vai trò quản lý nhà nước, quản trị xã hội mà tạo cơ sở để tinh giản tổ chức, tối ưu hóa nguồn lực, xóa bỏ tầng nấc trung gian, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời các yêu cầu đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
TĂNG CƯỜNG SỐ LƯỢNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC CẤP XÃ PHÙ HỢP VỚI NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn Cà Mau quan tâm tới việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhằm giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
“Đây có thể xem là một cuộc cách mạng trong cải cách nền hành chính nước nhà. Tôi rất đồng tình và tin tưởng vào sự thành công của cuộc cải cách mang tính lịch sử”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc sắp xếp đơn vị hành chính, một số lượng lớn công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy Nhà nước phải nghỉ việc, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động, số còn lại cũng chưa biết đi đâu về đâu, nơi ăn chốn ở thế nào?".
"Người dân băn khoăn lo lắng vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng nhưng với địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân?", đại biểu nêu.

Từ những băn khoăn này của người dân, đại biểu đề nghị các ngành các cấp cần có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập, đó là bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đại biểu cũng thống nhất cao với sửa đổi các quy định phân cấp phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã. Vì theo ông, sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông hạn chế ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí. Do đó, việc phân cấp này sẽ hết sức cần thiết.
Bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã, đại biểu cho rằng cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền trong đó đặc biệt trên môi trường mạng, đại biểu cho rằng cần phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân.
Đại biểu cũng kiến nghị tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn, và theo phân loại đơn vị hành chính xã phường, tận tuỵ với nhân dân.
Cùng với đó đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương; đồng thời ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thông suốt từ xã đến tỉnh.
ĐỀ XUẤT NÂNG MỨC HỖ TRỢ CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH DÔI DƯ
Thảo luận về tổ chức chính quyền 2 cấp, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn Vĩnh Long, chia sẻ kinh nghiệm nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Thụy Điển… đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân.
Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước cho thấy khả năng đảm bảo hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn. Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Thực tế qua theo dõi cho thấy các cán bộ, Đảng viên, nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Thống nhất cao nội dung phân cấp, phân quyền và ủy quyền tại dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Thanh cho rằng phân cấp không chỉ là chuyển giao nhiệm vụ mà còn trao quyền thực chất đồng thời kiểm soát quyền lực một cách công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho sự phát triển của người dân và địa phương.
Theo phân cấp như dự thảo sẽ có 90/99 nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện chuyển giao về cho cấp xã, 9 nhiệm vụ quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh.
Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc bổ sung các điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo việc đẩy mạnh phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cũng như cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp khi được phân cấp thực hiện nhiệm vụ song song việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả giám sát giữa các cấp và quy định việc giám sát của người dân, các tổ chức và giữa các cấp.
Đại biểu cho biết trong thời gian qua, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập là vấn đề mà nhiều người quan tâm.
Hiện nay, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, dân phố dôi dư phải sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã, nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền thì được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế.
Tuy nhiên, do phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện không cao nên mức trợ cấp đối với với các đối tượng này dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã còn thấp.
Vì vậy, để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, theo Kết luận 137-KL/TW năm 2025, đại biểu đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định;
Cùng với đó hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.
Theo kế hoạch sau sắp xếp biên chế cấp tỉnh sẽ giảm 18.499 người. Ngoài ra hơn 120.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên toàn quốc sẽ chấm dứt nhiệm vụ.