Ngày 23/9, tại Thanh Hóa, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII, năm 2022, nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
TÍNH KẾT NỐI VÙNG CHƯA CAO
Khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm 45% dân số cả nước, là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng, bao gồm toàn bộ 2 vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và một phần vùng Bắc Trung bộ (gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), trong 9 tháng năm 2022, sản xuất công nghiệp của đa số các tỉnh trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ.
21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%) đặc biệt có những tỉnh chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Đa số xuất khẩu của các tỉnh trong khu vực đều tăng so cùng kỳ.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng xét về mặt tổng quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.
Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Đây là những thách thức đặt ra với chúng ra trong thời gian tới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Cụ thể, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của khu vực như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy... vẫn phụ thuộc nhiều vào linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, khiến sản xuất còn bị động, chi phí cao...
Vốn đầu tư và năng suất lao động chưa ổn định, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh còn thấp, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao.
Việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp nên hạn chế khả năng sản xuất sản phẩm dịch vụ có tính ưu việt, chất lượng và giá trị cao.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đặc biệt ở các tỉnh còn khó khăn.
Vấn đề liên quan đến môi trường phòng chống cháy nổ, rác thải, nước thải, khí thải của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý triệt để.
Công tác liên kết vùng còn nhiều hạn chế, nhất là các hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư theo hướng chuyên môn hóa để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương tạo động lực cho phát triển của toàn vùng.
XÂY DỰNG CƠ CHẾ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI
Để khắc phục những tồn tại trên cũng như hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của ngành Công thương năm 2022, nhiều ý kiến đề xuất, Bộ, ngành và các tỉnh, thành trong khu vực cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhóm giải pháp mà Bộ Công Thương đã định hướng.
Trong đó, các các giải pháp trọng tâm, như: Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại; tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại…
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ngành công thương tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban hành các chiến lược, đề án phát triển các ngành công nghiệp, thương mại địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tích hợp những nội dung này vào Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện.
Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử,..
Rà soát lại hiện trạng, nhu cầu để lập các phương án, nội dung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp thương mại cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.
Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Tiếp tục theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp có giá trị cao.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương. Phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.