November 15, 2022 | 12:07 GMT+7

291 cổ phiếu giảm kịch biên độ, vốn ngoại vẫn miệt mài bắt đáy

Kim Phong -

VN-Index nhích nhẹ lên trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng nhờ cổ phiếu lớn VIC tăng tốt. Tuy nhiên phần còn lại giao dịch rất tệ, 3 sàn có tới 291 cổ phiếu giảm hết biên độ, trong đó HoSE là 162 mã. Điểm sáng hiếm hoi là dòng vốn ngoại vẫn đang gom vào, trải rộng ở nhiều nhóm từ tài chính tới bất động sản bất chấp nhà đầu tư trong nước tháo chạy...

Trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ lác đác vài mã xanh trong một "biển" cổ phiếu giảm giá.
Trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ lác đác vài mã xanh trong một "biển" cổ phiếu giảm giá.

VN-Index nhích nhẹ lên trong khoảng 30 phút cuối phiên sáng nhờ cổ phiếu lớn VIC tăng tốt. Tuy nhiên phần còn lại giao dịch rất tệ, 3 sàn có tới 291 cổ phiếu giảm hết biên độ, trong đó HoSE là 162 mã. Điểm sáng hiếm hoi là dòng vốn ngoại vẫn đang gom vào, trải rộng ở nhiều nhóm từ tài chính tới bất động sản bất chấp nhà đầu tư trong nước tháo chạy.

Tổng giá trị giải ngân của khối ngoại trên HoSE đến hết phiên sáng đạt 918,8 tỷ đồng, trong khi bán ra 465,9 tỷ, tương ứng mua ròng gần 453 tỷ đồng. Tỷ trọng mua vào của khối này đã thấp đi, chỉ còn chiếm 19,4% tổng giao dịch ở HoSE.

Dù vậy trong bối cảnh bán tháo lan tràn từ khối nội, khối ngoại còn mua mạnh tức là còn có lực đỡ. STB được mua ròng 92,7 tỷ đồng, lượng mua chiếm 52% thanh khoản và giá giảm 1,26%. KBC được mua ròng 38 tỷ, lượng mua chiếm 41% thanh khoản, giá tăng 0,33%. HPG mua ròng 32,6 tỷ, giá tăng 1,64%, VNM +26,3 tỷ, VIC +23,9 tỷ, NLG +21,7 tỷ...

Chuỗi ngày bắt đáy của dòng vốn ngoại kéo dài sang phiên thứ 9 liên tiếp ở HoSE với tổng giá trị mua ròng khoảng 6.520 tỷ đồng, trong đó mua cổ phiếu là 6.224 tỷ đồng. Điều này có được là nhờ dòng vốn ETF vẫn đang đổ vào khá lớn. Rõ ràng với khả năng trường vốn và nhận được vốn mới, các quỹ đầu tư đang có lợi thế hơn nhiều so với các nhà đầu tư cá nhân. Khi thị trường rơi vào khủng hoảng, khả năng còn tiền mặt sẽ quyết định “thắng thua” trong dài hạn.

VN-Index chạm đáy phiên sáng lúc 10h45, giảm 3,9% so với tham chiếu nhưng đến cuối phiên co lại một chút, còn giảm 2,67%. Độ rộng trái lại, không thay đổi gì, thậm chí còn tệ hơn. Chỉ số kết phiên chỉ có 35 mã tăng/416 mã giảm, trong đó 162 mã giảm sàn và 124 mã khác giảm từ 2% trở lên.

291 cổ phiếu giảm kịch biên độ, vốn ngoại vẫn miệt mài bắt đáy - Ảnh 1

Chỉ số bớt xấu vẫn là do một vài cổ phiếu lớn được nâng giá lên. VIC tăng 3,64%, HPG tăng 1,64%, MSN tăng 0,79% là 3 trụ duy nhất còn tăng trong rổ VN30. Ngoài ra, GAS, VNM cũng có cải thiện nhẹ về cuối cũng góp sức nâng chỉ số. GAS tạo đáy giảm 4,22% lúc 10h40 và kết phiên sáng chỉ còn giảm 0,09%. VNM cũng tạo đáy thời điểm đó, giảm 2,53% và kết phiên giảm 0,63%.

Nhóm blue-chips cũng có khá nhiều cổ phiếu khác được nâng đáy lên, nhưng do giá giảm quá sâu, nên mới có 3 mã tăng giá, 27 mã vẫn giảm trong đó 6 mã sàn là VPB, FPT, MWG, NVL, PDR, PLX. Các mã thoát đáy nổi bật là CTG, GAS, HPG, SSI, VCB, VIC, phục hồi từ 3% trở lên. VN30-Index chốt phiên giảm 2,76%.

Trong 162 cổ phiếu giảm sàn ở HoSE sáng nay, 130 mã mất thanh khoản. Hiện tượng bán tháo lan tràn vẫn tiếp diễn và bao gồm rất nhiều cổ phiếu không liên quan gì đến câu chuyện trái phiếu. Đây vẫn là tín hiệu của giải chấp chéo, vì nhiều mã đã không thể bán được nữa, đành phải bán các cổ phiếu còn lại trong danh mục.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng nhẹ 3,6% so với sáng hôm qua, đạt gần 4.481 tỷ đồng. HoSE tăng 1,6% và VN30 tăng 20%. HPG, STB, VPB, MBB, FPT, SSI, KBC là 7 cổ phiếu thanh khoản nhất rổ VN30 và cũng là nhất thị trường, đều trên 100 tỷ giá trị.

VN-Index mất 25,11 điểm sáng nay và rơi xuống 915,93 điểm và mức thấp nhất là 904,3 điểm. Như vậy chỉ số này giảm xuống sát ngưỡng tâm lý 900 điểm. Dòng tiền có thể vào bắt đáy tốt hơn quanh ngưỡng hỗ trợ này. Tuy nhiên dòng vốn vẫn chưa có tín hiệu gì là mạnh lên, nhất là trong bối cảnh quá nhiều cổ phiếu vẫn đang mất thanh khoản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate