Ngày 10/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.
PHỐI HỢP, KẾT NỐI TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC
Trong năm 2022 và 2023, mặc dù bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhìn chung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh tiếp tục xu hướng phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực; tăng trưởng của 3 địa phương thuộc nhóm khá và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.
Trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý dự án đầu tư sau cấp phép. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực.
Các đơn vị liên quan của 3 địa phương thường xuyên trao đổi, phối hợp trong thu hút, quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cùng với đó 3 địa phương đã tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch, tham gia ý kiến dự thảo quy hoạch của mỗi tỉnh; đến nay cả 3 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư vào khu vực Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh theo quy hoạch được duyệt...
Trong phối hợp triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng như dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển, nâng cấp Quốc lộ 1A, cầu Cửa Hội... đã tăng cường phối hợp huy động đa dạng nguồn lực để xây dựng hạ tầng liên kết vùng.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như: Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp và các vùng phát triển công nghiệp, thương mại theo các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên lĩnh vực công thương, 3 tỉnh đã từng bước đẩy mạnh hợp tác phát triển các ngành công nghiệp, liên kết phát triển thương mại, logistics mà mỗi tỉnh có lợi thế; trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách, định hướng phát triển xuất nhập khẩu; phối hợp kết nối, kêu gọi doanh nghiệp của 3 tỉnh tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; kết nối sàn giao dịch thương mại điện tử.
3 tỉnh cũng đã thường xuyên trao đổi tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của Trung ương, của từng tỉnh (như chính sách tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Cùng với đó, 3 tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, cung cấp danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để các tỉnh cùng phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm...
Song song với phối hợp trên lĩnh vực kinh tế, 3 tỉnh đã triển khai kết nối các tour du lịch trải nghiệm Thành Nhà Hồ - Khu di tích Kim Liên - Khu du lịch biển Thiên Cầm và liên kết các địa chỉ du lịch của 3 tỉnh và các giá trị văn hóa, truyền thống; cùng tham gia nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày các ấn phẩm du lịch, giới thiệu các danh lam thắng cảnh và các sản phẩm OCOP tiêu biểu... Trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, quốc phòng - an ninh cũng đã được 3 tỉnh triển khai mạnh mẽ, sâu rộng các hoạt động hợp tác.
HỖ TRỢ, HỢP TÁC THAY VÌ CẠNH TRANH NHAU
Để thực hiện hiệu quả các nội dung tại Bản ghi nhớ hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với khu vực và cả nước trong giai đoạn tới, 3 tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ.
Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh góp phần thúc đẩy phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất, đi vào chiều sâu theo nguyên tắc “Chia sẻ - Liên kết - Hợp tác cùng phát triển” nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, phát huy vai trò của 3 địa phương trong tiểu vùng Bắc Trung bộ để đóng góp tích cực, nhanh, mạnh hơn nữa vào sự phát triển chung của cả vùng và cả nước.
Tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác lập và triển khai thực hiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của mỗi địa phương; nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Tiếp tục phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển... nhằm tăng cường kết nối, cải thiện hệ thống giao thông giữa các tỉnh.
Thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại 3 tỉnh nhằm kịp thời phối hợp, kết nối đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh... nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.
Tăng cường liên kết, hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Triển khai phối hợp công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật các lĩnh vực có thế mạnh của ngành y tế; tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh giữa 3 tỉnh.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao sự liên kết hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, đồng thời đề xuất các chủ đề tạo sự liên kết trong việc xây dựng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước; phát huy, liên kết các giá trị văn hóa kết hợp khai thác du lịch của 3 địa phương Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; thu hút đầu tư nước ngoài tại Nghệ An: nắm bắt cơ hội vàng - trở thành điểm đến đầu tư “thuận lợi - tin cậy - hiệu quả”.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh này khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục đưa mối liên kết hợp tác ngày càng bền chặt, tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Cụ thể như kết nối hạ tầng gắn chặt với quy hoạch của quốc gia, quy hoạch của vùng; quan tâm kết nối về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác về xây dựng chính sách phát triển về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa để cùng nhau phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, mặc dù thời gian qua chịu nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, 3 địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người của 3 tỉnh còn thấp hơn bình quân của vùng; liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng như kỳ vọng, cũng như định hướng phát triển của Bộ Chính trị. Các hạ tầng chiến lược còn hạn chế, nhất là hạ tầng kinh tế số, xã hội số; khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa 3 tỉnh và giữa các vùng của mỗi địa phương vẫn còn lớn...
Trong thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí hết sức quan trọng của 3 tỉnh trong vùng và cả nước, đồng chí Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị 3 địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp, xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng đề nghị 3 tỉnh tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế; rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu để tăng cường thu hút đầu tư, để bổ trợ cho nhau, thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
Tập trung tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu để đảm bảo liên kết 3 tỉnh, nhất là trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, xã hội số, nguồn nhân lực, logistics, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư; có các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, địa phương đầu tư lẫn nhau; phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu.