October 16, 2020 | 09:11 GMT+7

3 trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân

TS. Võ Đình Trí (*)

Có 3 trụ cột quan trọng trong sự phát triển của kinh tế tư nhân là thị trường, chính sách, và nội lực của doanh nghiệp

TS. Võ Đình Trí - Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global
TS. Võ Đình Trí - Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global

Có 3 trụ cột quan trọng trong sự phát triển của kinh tế tư nhân là thị trường, chính sách, và nội lực của doanh nghiệp. Thứ tự quan trọng của 3 trụ cột này là khác nhau ở mỗi nền kinh tế. Ở Việt Nam, đặc biệt là sau giai đoạn hậu Covid-19, thứ tự quan trọng lần lượt là chính sách, nội lực và cuối cùng mới là thị trường.

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trong sự phát triển của Việt Nam. Ở tầm định hướng chính sách cao nhất, Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng kinh tế tư nhân cần những động lực nào cho sự phát triển của mình? 

THỰC THI CHÍNH SÁCH

Để kinh tế tư nhân phát triển ở Việt Nam, điều đầu tiên có lẽ ai cũng nghĩ đến đó là việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh gây nhũng nhiễu, phiền hà. Sau 3 năm, mặc dù đã có chỉ đạo của Chính phủ nhưng thực chất việc cắt giảm vẫn chưa được như mong đợi. Số lượng điều kiện kinh doanh mặc dù giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, có sự chồng chéo giữa các bộ, ngành.

Giữa chính sách và việc thực thi còn khoảng cách lớn không chỉ ở số lượng giấy phép con đang tồn tại, mà còn ở tư duy và hành động của một số cán bộ, công chức viên chức được Nhà nước ủy quyền. Theo xếp hạng về tự do kinh tế của tổ chức Heritage năm 2020, Việt Nam ở mức 58,8 điểm, xếp hạng 105 trong tổng số 186 nền kinh tế và xếp hạng 21 trong số 42 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tính hiệu quả của thực thi pháp luật và sự liêm chính của nhân viên chính phủ vẫn là hai rào cản để cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam ở bảng xếp hạng này.

Sự mở cửa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ đã kéo theo sự phát triển nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm đến 93,7% tổng số doanh nghiệp cả nước, cho thấy mức độ tập trung vốn và thị phần vào một số ít doanh nghiệp (tập đoàn) tư nhân là rất lớn. Thông qua sở hữu chéo và lợi thế trong vận động chính sách, đã có dấu hiệu ở Việt Nam xuất hiện độc quyền nhóm, cạnh tranh không lành mạnh trong việc hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân khác.

Các chính sách hiện nay cũng chưa đủ để khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư nhiều vào sản xuất, mà thay vào đó là thương mại, dịch vụ. Vì đầu tư vào sản xuất đòi hỏi nguồn vốn tương đối lớn, thời gian đầu tư dài, trong khi chính sách có thể thay đổi ở địa phương và bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa nghiêm dẫn tới hàng nhái hàng giả gây thiệt hại cho doanh nghiệp. 

TƯ DUY DOANH NHÂN HIỆN ĐẠI

Số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm đa số, nhưng theo Sách Trắng doanh nghiệp 2020, thì đến cuối năm 2018, các doanh nghiệp này lỗ đến 54,3 ngàn tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài nhà nước có lãi là 43,7% và tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với vốn chủ sở hữu chỉ là 4,5%, thấp rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Trong khi tổng số lượng doanh nghiệp vẫn tăng nên một câu hỏi được đặt ra là: các doanh nghiệp có lỗ giả lời thật? Hiện tượng doanh nghiệp có 2 hệ thống sổ sách và "cưa thuế" là không quá khó tìm ở Việt Nam nên sự hoài nghi ở trên là hoàn toàn có cơ sở.

Không những thế, tâm lý an phận vừa đủ tồn tại khá phổ biến ở nhiều người làm kinh doanh vì lo sợ thuyền lớn sóng lớn. Đối với nhiều doanh nhân, những lợi ích của việc mở rộng kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, tiếp cận vốn thuận lợi hơn vẫn chưa bù được chi phí của sự minh bạch sổ sách, sử dụng lao động hợp pháp. Tư duy lách luật, trốn thuế khiến cho việc chuyển đổi quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ sang nhỏ, từ nhỏ sang vừa là rất khó khăn. 

Điều kiện và mức sống của một bộ phận dân cư trong nước đã tăng cao so với trước đây nên yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của hàng hóa dịch vụ cũng dần theo chuẩn mực quốc tế. Không những thế, các tiêu chí về thân thiện với môi trường, thương mại bình đẳng và công bằng (fair and equal trading) với người sản xuất trực tiếp, tuân thủ các công ước lao động quốc tế ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Chính vì các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được nên đành phải nhường thị phần này cho các doanh nghiệp nước ngoài.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Với thị trường gần 100 triệu dân, nền kinh tế đang tiếp tục tăng trưởng, đây là một thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Những năm qua, đã có một số doanh nghiệp khẳng định được uy tín của mình, không chỉ trong nước mà còn trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp  đặc biệt của thế hệ doanh nhân trẻ, đã chọn con đường phát triển doanh nghiệp bài bản ngay từ đầu, dù bắt đầu với quy mô nhỏ. 

Các doanh nghiệp này đã tận dụng lợi thế của công nghệ, nắm bắt nhanh nhu cầu thị hiếu của thị trường, quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh, và có hoài bão đưa doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Khi người tiêu dùng chủ động tìm hiểu thông tin về sản phẩm dịch vụ, giảm dần tâm lí sính ngoại thì sự ủng hộ của thị trường trong nước sẽ rất quan trọng đối với các doanh nghiệp làm ăn tử tế.

Tiềm năng của kinh tế tư nhân là rất lớn, nhưng để phát huy được thì kinh tế tư nhân cần một sự thay đổi về thực chất trong thực thi chính sách: tháo gỡ rào cản và dần chuyển sang hỗ trợ. Muốn vậy, cần đẩy mạnh các giải pháp số hóa với quy trình rõ ràng minh bạch, đánh giá hiệu quả vị trí việc làm của công chức viên chức, tinh gọn bộ máy hành chính và đưa tiền lương về với thu nhập thực tế. Thêm vào đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, có hàm lượng công nghệ cao.

Về phía doanh nghiệp  để phát triển bền vững thì cần phải làm ăn bài bản, tuân thủ pháp luật, đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất. Người chủ doanh nghiệp cần có mục tiêu đưa doanh nghiệp phát triển về quy mô, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Cuối cùng, thị trường là người tiêu dùng cần ủng hộ doanh nghiệp trong nước khi có thể. Sự thưởng-phạt của thị trường đối với doanh nghiệp tử tế và doanh nghiệp gian dối càng nhanh chóng và hiệu quả thì sẽ giúp khu vực kinh tế tư nhân ngày càng vững mạnh hơn.

* Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate