Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện lực lượng lao động cả nước có khoảng 52,1 triệu người, tuy nhiên, mới có trên 17,489 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thu thập, tổng hợp, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội.
Còn gần 34 triệu lao động, chiếm 2/3 lực lượng lao động cả nước chưa được thu thập, nắm thông tin về tình trạng lao động, việc làm.
Vì thế, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề xuất bổ sung quy định về đăng ký lao động, bởi hiện do chưa có quy định về đăng ký lao động nên quản lý lao động còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động.
Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Công an, và các địa phương tổ chức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Tính đến tháng 2/2024, đã thu thập dữ liệu khoảng 22,35 triệu lao động.
Dự kiến tại lần sửa đổi Luật Việc làm tới, sẽ bổ sung 1 Chương về đăng ký lao động bao gồm các nội dung như: Đối tượng đăng ký lao động; thông tin đăng ký lao động (gồm thông tin cơ bản; thông tin về việc làm; thông tin về trình độ chuyên môn; thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp); điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động.
Các nội dung khác là hồ sơ điều chỉnh thông tin về việc làm trong cơ sở dữ liệu về người lao động; chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin về người lao động…
Đồng thời, trên cơ sở các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, dự thảo Luật sẽ bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trong việc đăng ký, điều chỉnh thông tin của người lao động có quan hệ lao động.
Là một trong những địa phương tập trung số lao động lớn, mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về tổ chức thu thập, cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động, cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc trên địa bàn Thành phố đến năm 2025,
Đối tượng thu thập người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động đang cư trú tại Hà Nội.
Việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội, nhằm hình thành cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm cơ sở quản lý lao động, thiết lập sổ lao động điện tử cho người lao động.
Từ đó, hoạch định các chính sách về lao động, việc làm, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về người đang tìm việc làm và nhu cầu về việc làm mong muốn, thông tin về người sử dụng lao động đang có nhu cầu tuyển dụng lao động và vị trí việc làm mà người sử dụng lao động đang tuyển.
Các thông tin này cũng được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở dữ liệu về người lao động gồm các thông tin cơ bản của người lao động, trình độ, kỹ năng lao động, tình trạng việc làm, quan hệ lao động, tình hình tham gia bảo hiểm xã hội.
Cơ sở dữ liệu việc tìm người bao gồm các thông tin về người sử dụng lao động, vị trí việc làm mà người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng.
Riêng cơ sở dữ liệu người tìm việc gồm các thông tin cơ bản nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, lĩnh vực đào tạo, trình độ kỹ năngnghề, kinh nghiệm làm việc và nhu cầu về việc làm cần tìm của người lao động đang tìm việc làm.