May 13, 2025 | 11:00 GMT+7

Tập đoàn Thuận An lập kịch bản hồ sơ “quân xanh, quân đỏ” khi chấm thầu dự án nghìn tỷ

Đỗ Mến -

Các thành viên thực hiện theo kịch bản hồ sơ “quân xanh” của Công ty 68 được thống nhất xây dựng khi chấm thầu không qua vòng 1 (chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật); còn hồ sơ “quân xanh” của Công ty Tự Lập được xây dựng vào vòng 2 (chấm hồ sơ đề xuất tài chính) và sẽ bị loại do giá cao hơn “quân đỏ”...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An) có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong hành vi vi phạm đấu thầu, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền 120 tỷ đồng tại 5 dự án.

SAI PHẠM TẠI HAI DỰ ÁN NGHÌN TỶ

Dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ có tổng mức đầu tư là 3.712,97 tỷ đồng. Giai đoạn 1 là 3.253 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 459,97 tỷ đồng. Gói thầu số 2 thuộc giai đoạn 1 dự án có trị giá hơn 488 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, ông Hưng thỏa thuận, thống nhất với Trần Viết Cương – giám đốc Ban Quản lý dự án Tuyên Quang về việc cho Công ty Thuận An liên danh với Công ty Hiệp Phú và Công ty Licogi 14 tham gia đấu thầu, thi công gói thầu số 26. Từ đó, Hưng chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ dự thầu “quân xanh”, “quân đỏ” tham gia đấu thầu, để liên danh trúng thầu.

Các bị can trao đổi với nhau qua nhóm chat “cao tốc TQ-PT” có nội dung “về giá, các sếp thống nhất Đỏ: giảm trên dưới 500 triệu; 2/TL: cao hơn đỏ 300 triệu (không thư giảm giá); 3/68: vượt trần (kèm thư giảm giá”).

Các thành viên thực hiện theo kịch bản hồ sơ “quân xanh” của Công ty 68 được thống nhất xây dựng khi chấm thầu không qua vòng 1 (chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật); còn hồ sơ “quân xanh” của Công ty Tự Lập được xây dựng vào vòng 2 (chấm hồ sơ đề xuất tài chính) và sẽ bị loại do giá cao hơn “quân đỏ” (liên danh Thuận An – Hiệp Phú – Licogi 14).

Ông Cương chỉ đạo các nhân viên cho liên danh nhà thầu sao chép các file dữ liệu dự toán được phê duyệt trước khi phát hành hồ sơ mời thầu; được đổi hồ sơ đề xuất tài chính (đề xuất giá dự thầu) sau thời điểm đóng, mở thầu để hồ sơ dự thầu của liên danh nhà thầu đầy đủ, phù hợp với nội dung, yêu cầu tại hồ sơ mời thầu.

Sau khi liên danh trúng thầu, ông Cương hưởng lợi 12,5 tỷ đồng. Còn ông Hưng hưởng lợi 4 tỷ đồng của 2 đơn vị thi công, nhà thầu phụ và gửi giá, thu hơn 5,8 tỷ đồng trên hóa đơn đầu vào đưa vào hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.

Dự án đường ven sông Hạ Long – Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 6.345 tỷ đồng. Gói thầu số 13 được thiết kế xây dựng gồm 10 cầu đôi với quy mô, kết cấu các cầu, công nghệ xây dựng thông thường, đơn giản, giá trị gói thầu hơn 826 tỷ đồng.

Kết luận cho thấy, trước khi đấu thầu gói thầu số 13, ông Hưng đưa 10.000 USD cho ông Phạm Thanh Bình, giám đốc Ban Quản lý dự án Hà Nội. Ông Bình đồng ý cho Công ty Thuận An liên danh với 2 đơn vị khác tham gia đấu thầu, thi công.

Quá trình đấu thầu, ông Hưng chỉ đạo Trần Anh Quang và phòng kế hoạch phối hợp với đơn vị liên danh làm hồ sơ dự thầu.

Ông Cao Ngọc Phú đã cung cấp, tiết lộ thông tin bản vẽ thiết kế, dự toán cho liên danh nhà thầu trước khi phát hành hồ sơ mời thầu. Đồng thời cho phép liên danh được bổ sung hồ sơ mời thầu (bản giấy) sau thời điểm ký thương thảo hợp đồng, giúp liên danh trúng thầu trái quy định.

Cơ quan điều tra làm rõ, ông Bình đã nhận 9,2 tỷ đồng tiền “cơ chế” của liên danh. Về phía Công ty Thuận An, ông Hưng thực hiện hành vi gửi giá, thu hơn 2,1 tỷ đồng tiền chênh lệch đầu vào phần nhân công đối với nhà thầu phụ. Hành vi của ông Hưng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng.

CHI 5% GIÁ TRỊ HỢP ĐỒNG ĐỂ ĐƯỢC TRÚNG THẦU

Tại gói thầu XD01,XD02 Dự án Quốc lộ 14E, cơ quan điều tra xác định ông Hưng và ông Nguyễn Quang Huy (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam) thông đồng, móc ngoặc, thỏa thuận chi tiền “cơ chế”.

Các bị can thống nhất, Công ty Thuận An sẽ chi tiền “cơ chế” theo các tỷ lệ đã định sẵn là 5% giá trị hợp đồng trước thuế cho Ban Quản lý dự án…

Từ đó, nhóm bị can ở Tập đoàn Thuận An và lãnh đạo các Phòng của Ban Quản lý dự án 4 đã thông đồng, phối hợp dự án; tiết lộ, cung cấp thông tin, phối hợp tham gia nghiên cứu thiết kế, lập dự toán và viết hồ sơ mời thầu. Trên cơ sở đó đã điều chỉnh, mở rộng tiêu chí trong hồ sơ mời thầu từ "cấp phối đá dăm" thành "đá dăm", bỏ hạng mục "tường chắn có cốt", trước thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu XD01.

Còn tại dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, ông Hưng đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân và hình ảnh gây ảnh hưởng của lãnh đạo cấp trên, gặp gỡ đề nghị và được ông Phạm Hoàng Tuấn, giám đốc Ban Quản lý dự án Hà Nội tạo điều kiện cho Công ty Thuận An trúng thầu, thi công gói thầu số 2.

Các bị can thuộc Ban Quản lý dự án thông đồng, móc ngoặc với Công ty Thuận An tiết lộ, cung cấp thông tin về hồ sơ mời thầu, dự toán gói thầu; kiểm tra, chấm trước hồ sơ dự thầu của Công ty Thuận An và liên danh trước thời điểm đóng thầu, mở thầu; cho phép Công ty Thuận An được thay thế, bổ sung hồ sơ dự thầu…

Quá trình đấu thầu, thi công, các bị can thuộc Ban Quản lý dự án nhận tiền cơ chế ngoài hợp đồng của liên danh, tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục nghiệm thu thanh toán. Ông Hưng gửi giá, thu số tiền hơn 9,2 tỷ đồng trên hóa đơn mua vật tư đầu vào đối với 4 đơn vị thi công và nhà cung cấp vật liệu.

 

Quá trình điều tra, các bị can, đối tượng liên quan tự nguyện nộp khắc phục hơn 102 tỷ đồng và 90.000 USD. Cơ quan điều tra đã phong tỏa 7 sổ tiết kiệm trị giá hơn 32 tỷ đồng do gia đình bị can Nguyễn Duy Hưng tự nguyện giao nộp để khắc phục hậu quả.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra còn xác định có dấu hiệu sai phạm của cá nhân liên quan. Nhưng do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên công an tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của cá nhân này để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate