Chỉ còn hơn một tuần nữa là chính thức khép lại năm giao dịch 2024. Nhìn lại năm qua dù thị trường đối diện nhiều biến động rủi ro về tỷ giá, ngoại biên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục nhưng VN-Index kết thúc năm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 10% so với cuối năm 2023. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng khoảng 15,8% so với cuối năm trước; tương đương 67,2% GDP của năm 2023
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), cho rằng đạt được kết quả này nhờ có các yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, nhờ có sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, chính phủ đã nghiên cứu và áp dụng nhiều chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp làm đòn bẩy cho việc phát triển nền kinh tế chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó có thể kể đến các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế, giữ ổn định tỷ giá hối đoái, hạ lãi suất cho vay, điều hành thị trường mở khéo léo, mềm dẻo.
Thứ hai, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024, những ngành kinh tế chủ chốt như ngành bất động sản, ngành tài chính, ngành công nghệ thông tin, ngành hàng tiêu dùng… đang dần phục hồi sau đại dịch cùng với sự hỗ trợ từ nhiều cơ chế mới được ban hành.
Các chỉ số ngành tại HoSE đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, trong đó, đáng chú ý nhất là chỉ số ngành công nghệ thông tin tăng 84,8%, ngành hàng tiêu dùng tăng 56,9%, ngành tài chính tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng của các công ty niêm yết trên HoSE tăng trưởng 13,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Thanh khoản 9 tháng đầu năm 2024 trên HoSE ghi nhận sự tăng trưởng với tổng giá trị giao dịch đạt trên 144 tỷ USD, tăng hơn 33% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Thứ ba, việc ban hành các chính sách tích cực của ngành chứng khoán. Trong năm 2024, ngành chứng khoán chủ trương tập trung nâng cao chất lượng của hàng hóa niêm yết và công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch cho thị trường và góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các công ty niêm yết, các tổ chức, cá nhân đầu tư chứng khoán, tính minh bạch thị trường. Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ niêm yết mới và quản lý các doanh nghiệp niêm yết nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết tại HoSE.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, gỡ được nút thắt prefunding cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tăng cường công bố thông tin bằng Tiếng Anh từ các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn.
Nhìn chung, trong năm 2024, VN-Index có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn so với năm 2023. Tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế, từ đó tạo cơ sở vững chắc để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Theo bà Đào, năm 2024 cũng có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành đúng quy định pháp luật về công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Trong năm 2023, có 175 công ty vi phạm và bị nhắc nhở 216 lần, thì từ đầu năm 2024 đến nay đã giảm còn 104 công ty vi phạm và bị nhắc nhở công khai 125 lần trên website HoSE.
HoSE cũng đã cùng với các cơ quan quản lý thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao năng lực công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng trên thị trường chứng khoán như triển khai chính thức thực hiện báo cáo, công bố thông tin một đầu mối với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Bước sang năm 2025, để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra, HoSE cũng đưa ra chiến lược cụ thể để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trong năm 2025.
Thứ nhất, đảm bảo vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả đáp ứng được lộ trình về nâng hạng, lộ trình sắp xếp lại thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của HoSE, để phục vụ các nhu cầu của thành viên thị trường và phù hợp với mục tiêu, định hướng của Bộ Tài chính về kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ ba, tập trung nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, đảm bảo công khai, minh bạch cho thị trường, cũng như hỗ trợ các công ty niêm yết trong việc thực hiện công bố thông tin, minh bạch thông tin.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và thực hành về môi trường (E), về xã hội (S) và quản trị công ty (G) các yếu tố ESG tại HoSE và tại các thành viên thị trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ năm, tiếp tục chuẩn hóa công tác quản trị nội bộ, nâng cao năng lực chuyên môn của các bộ phận nghiệp vụ, hướng đến tính hiệu quả, chuyên nghiệp.