Nếu như năm ngoái, chỉ có 9 địa phương có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng thì năm nay con số chưa chính thức cho thấy đã có khoảng 15 địa phương đạt mức này. Đáng chú ý nhiều địa phương đã vượt ngưỡng doanh thu tỷ USD như Bình Định, Thanh Hóa, hay TP.HCM.
Lý giải sự hồi phục mạnh mẽ này, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia cho biết, đó là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Cùng với đó là việc cải thiện hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp xu hướng, cùng những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng…
TP.HCM
TP.HCM là một trong những địa phương có tổng lượt khách và doanh thu du lịch cao nhất nước, với 44 triệu lượt khách và 190 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2023. Trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt 6,1 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 38 triệu lượt, cả 3 chỉ tiêu đều đạt kế hoạch năm.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: “TP.HCM luôn là một điểm sáng trong công tác phát triển du lịch, từ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng cho đến việc quảng bá hiệu quả hình ảnh của thành phố tới bạn bè quốc tế. Các sản phẩm du lịch như du lịch MICE, du lịch văn hóa –lịch sử, du lịch đường thủy, du lịch y tế, ẩm thực tiếp tục tạo được sự hấp dẫn và thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước; góp phần quan trọng trong việc nâng cao mức chi tiêu của du khách và kéo dài thời gian lưu trú”.
Năm 2024, TP.HCM được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2024, Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2024, Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á 2024… Bước sang năm 2025, Sở Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 45 triệu khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 260 nghìn tỷ đồng.
HÀ NỘI
Hà Nội đứng thứ hai trong danh sách top các địa phương đạt doanh thu du lịch cao, với tổng lượt khách đạt gần 28 triệu lượt, tổng thu đạt 110.000 tỷ đồng. Trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế, 21,51 triệu lượt khách nội địa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, 2024 là năm “bội thu” của du lịch Hà Nội khi liên tiếp được nhiều giải thưởng lớn như Tripadvisor, Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vinh danh. Đặc biệt, thủ đô cũng đã hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với làng nghề, công nghiệp văn hóa. Du lịch Hà Nội cũng đem đến trải nghiệm đa dạng từ 5 sao đến cuộc sống thường nhật cùng người dân bản địa, những giá trị đặc sắc từ làng quê hay “văn hóa vỉa hè” mà thế giới không có.
Nhằm phát huy lợi thế này và thu hút lượng khách đông đảo hơn, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hơn nữa, gắn với thế mạnh của địa phương. Trong năm 2025, du lịch Thủ đô đặt mục tiêu thu hút trên 30 triệu lượt khách, với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú) và 23 triệu lượt khách nội địa.
QUẢNG NINH
Ngoài hai thành phố lớn nhất nước, Quảng Ninh là cái tên thứ ba xuất hiện trong danh sách với tổng lượng khách trong năm 2024 ước đón hơn 19 triệu lượt, tổng thu đạt hơn 46.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Yagi, nhưng đã nỗ lực phục hồi và tăng tốc nhanh chóng, hiệu quả.
Năm 2024, nhiều chương trình, sự kiện quan trọng được tổ chức tại Quảng Ninh như: Đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race mùa giải 2023-2024, đón đoàn 4.5000 khách MICE Ấn Độ, cũng như các đoàn khách MICE lớn từ Trung Quốc và trong nước. Bên cạnh đó là chương trình kích cầu du lịch mùa thu đông năm 2024 với chủ đề “Quảng Ninh - điểm đến của bốn mùa” đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham gia với hàng ngàn gói sản phẩm ưu đãi.
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2025 địa phương đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách, trong đó 15,5 triệu du khách nội địa và 4,5 triệu khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 50.000 tỷ đồng.
KHÁNH HÒA
Khánh Hòa trở thành "hiện tượng" của ngành du lịch Việt trong năm qua. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, các chỉ tiêu du lịch của địa phương đều vượt kế hoạch từ sớm và tăng cao so với năm ngoái. Cụ thể, toàn tỉnh đón hơn 10,6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 4,5 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt hơn 52.000 tỷ đồng, vượt 30,4% kế hoạch. Lượng khách và doanh thu du lịch đều vượt xa so với năm 2019, thời hoàng kim của du lịch Việt.
Có được sự tăng trưởng một phần là nhờ các hãng hàng không liên tục được mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… với Khánh Hòa. Bên cạnh các hoạt động xúc tiến, tỉnh và ngành Du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện lớn để kích cầu du lịch như: Liên hoan Du lịch biển Nha Trang 2024; Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024; Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024; lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2024…
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, ngành Du lịch Khánh Hòa đang hướng đến những cột mốc mới trong năm 2025, với mục tiêu đón 11,8 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu du lịch 60.000 tỷ đồng.
NINH BÌNH
Năm 2024, du lịch Ninh Bình đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo Sở Du lịch Ninh Bình, năm qua toàn tỉnh ước đón 8,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế, số lượt khách đến cơ sở lưu trú ước đạt trên 2.028,4 nghìn lượt, số ngày khách lưu trú ước đạt gần 2.340 nghìn ngày khách. Doanh thu từ du lịch đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023
Hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình được quảng bá rộng rãi ở cả trong và ngoài nước, được sự ghi nhận từ nhiều giải thưởng danh giá và chuyên trang quốc tế. Du lịch Ninh Bình đã tham gia quảng bá du lịch Ninh Bình tại trên 30 lễ hội, hội chợ triển lãm, hội thảo, toạ đàm quảng bá trong và ngoài nước. Điều này giúp Ninh Bình thu hút nhiều du khách quốc tế hơn, đặc biệt từ các thị trường du lịch trọng điểm như Ấn độ, Đông Bắc Á Châu Âu và Bắc Mỹ.
Năm 2025, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đón trên 9,1 triệu lượt khách, trong đó có 02 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, ước đón 12 triệu lượt khách, trong đó có 03 triệu lượt khách quốc tế.
Các tỉnh thành khác cũng có lượng khách và doanh thu cao trong năm nay gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Kiên Giang và Bình Định...
Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024.