December 30, 2024 | 12:03 GMT+7

Du lịch đường sắt “tăng tốc” ngoạn mục

Tường Bách -

Du lịch tàu hoả được cho là rẻ hơn máy bay, an toàn hơn phương tiện tự lái, không phải lo tắc đường và được sống chậm ngắm cảnh sắc mỗi vùng đất qua khung cửa sổ...

Ảnh: SJourney
Ảnh: SJourney

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng năm vừa qua, việc vé máy bay trong nước tăng kéo theo giá tour tăng từ 10 - 15% khiến du khách phải cân đo đong đếm nhiều hơn cho việc lựa chọn phương thức di chuyển, và điều này đã mở ra cơ hội cho du lịch bằng tàu hỏa.

Với lợi thế sở hữu một hệ thống đường sắt dài hơn 3.000km đi qua 34 tỉnh, thành phố trong đó có nhiều cung đường đẹp, nhiều nhà ga nằm tại các trọng điểm du lịch quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam đã được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet bình chọn đứng đầu danh sách 8 hành trình du lịch tàu hỏa đáng trải nghiệm nhất thế giới (năm 2018); ngoài ra, Hãng tin Sputnik (Nga) cũng bầu chọn là một trong 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới (năm 2019).

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG KHAI PHÁ TIỀM NĂNG

Ngày 21/11 vừa qua, ngành đường sắt đã đón 400 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai bằng đường bộ, lên tàu tiếp tục hành trình về ga Hà Nội. Từ ga Hà Nội, đoàn khách di chuyển bằng tàu hỏa đi đến các địa điểm như: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Bình Thuận, TP.HCM. Đoàn khách này là chỉ là một trong 16 đoàn charter đường sắt đã ký hợp tác với các công ty lữ hành, du lịch tổ chức trong năm 2024 với tổng số khoảng 7.000 lượt khách. Trong đó, 12 đoàn hành trình Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội và 4 đoàn xuất phát từ Lào Cai.

Sau khi xuyến Việt, đoàn khách quay trở lại Lào Cai để nhập cảnh sang Trung Quốc, kết thúc chuyến du lịch trong vòng 13 ngày.
Sau khi xuyến Việt, đoàn khách quay trở lại Lào Cai để nhập cảnh sang Trung Quốc, kết thúc chuyến du lịch trong vòng 13 ngày.

Tương tự, thống kê cho thấy khách du lịch đi tàu hỏa đến thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024. Cụ thể, ước khoảng trên 643 nghìn lượt khách đến Đà Nẵng bằng đường sắt, tăng hơn 43% so với năm 2023. Ngoài các chuyến tàu hỏa chạy thường ngày, ngành đường sắt tổ chức các đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng, đặc biệt là Đoàn tàu du lịch tuyến Huế - Đà Nẵng mang tên "Kết nối di sản miền Trung” đã mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách.

Mới đây nhất, lấy cảm hứng từ kiến trúc Dinh Nam Phương hoàng hậu, Đoàn tàu La Reine được kỳ vọng sẽ trở thành 1 sản phẩm du lịch hấp dẫn cho du khách khi tới Đà Lạt. Các toa xe La Reine được thiết kế sang trọng và nhiều cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng. Ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Việt Nam cho biết, toa xe được lắp đặt 36 ghế ngồi dọc hai bên tạo thuận lợi cho du khách ngắm nhìn phong cảnh 2 bên, đặc biệt trên toa tàu có các khoang VIP 12 chỗ ngồi phù hợp cho du khách mua vé gia đình muốn có không gian riêng.

Còn tại TP.HCM, một chuyến tàu hạng sang cũng đã khởi hành từ ga Sài Gòn đi xuyên Việt trong 7 ngày 6 đêm. Theo đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Việt Nam, chuyến tàu hỏa cao cấp xuyên Việt đầu tiên mang ký hiệu SE61, khởi hành từ ga Sài Gòn ngày 18/12, dừng tại ga Phan Thiết hôm 19/12. Tàu sau đó di chuyển đến Nha Trang vào 20/12, ghé thăm một số địa điểm trong thành phố và tiếp tục đến các tỉnh thành miền Trung và điểm dừng cuối cùng là tại ga Hà Nội.

Chuyến tàu hạng sang cũng đã khởi hành từ ga Sài Gòn sẽ đi xuyên Việt trong 7 ngày 6 đêm.
Chuyến tàu hạng sang cũng đã khởi hành từ ga Sài Gòn sẽ đi xuyên Việt trong 7 ngày 6 đêm.

Ông Trần Sỹ Sơn, CEO PYS Travel, đơn vị khai thác và vận hành cho biết chuyến tàu 5 sao xuyên Việt đã được lên ý tưởng và chuẩn bị thực hiện từ 3 năm trước. Giai đoạn một trong năm 2025 tàu vận hành 3 - 4 chuyến mỗi tháng. Đoàn tàu có 5 toa ngủ với 15 phòng nghỉ riêng đầy đủ tiện nghi, một nhà hàng và một toa bếp, phục vụ tối đa 30 hành khách. Chuyến tàu có giá 7.320 USD (186 triệu đồng) mỗi khách, áp dụng trong tháng 12. Năm 2025, giá vé là 8.610 USD (219 triệu đồng) mỗi khách.

KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ VẬN TẢI HÀNH KHÁCH

Tuần qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Sở VHTTDL, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên đã vận hành thí điểm chuyến tàu hoả du lịch kết nối Hà Nội - Thái Nguyên. Trên chuyến tàu có nhiều dịch vụ như: Thưởng thức trà Thái Nguyên, bánh đặc sản Hà Nội, nghe hát then đàn tính, trải nghiệm các sản phẩm OCOP và nông sản địa phương tại các ga đến… Sau đó, đoàn đã đến điểm du lịch cộng đồng vùng chè đặc sản Tân Cương, tọa đàm đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện ý tướng khai thác tuyến tàu hỏa gắn với quảng bá văn hóa Trà và phát triển du lịch Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thái Nguyên cho biết, sau 2 tháng có ý tưởng triển khai tuyến đường sắt kết nối Hà Nội - Thái Nguyên, chuyến tàu khảo sát kết nối qua nhiều ga với 4 điểm dừng là Ga Phổ Yên, Lưu Xá, Thái Nguyên và Quán Triều. Tuyến đường sắt này có nhiều thuận tiện cho quãng đường di chuyển với khoảng cách khoảng 80km, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ 30 phút, với 10 phút dừng tại mỗi ga. Đồng thời, không gian phòng chờ đã được mô phỏng những khu trưng bày quảng bá văn hoá trà, kết hợp giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu...

Có thể nói, trong bối cảnh thị phần vận tải có sự cạnh tranh khốc liệt, để xóa nhòa “tảng băng” bấy lâu ăn sâu trong nếp nghĩ của không ít người, ngành đường sắt nỗ lực thay đổi chính mình. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh khẳng định, đổi mới trước hết từ tư duy, không đơn thuần vận tải khách từ điểm đi tới điểm đến mà trên mỗi chuyến tàu, du khách trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, di sản, phong cảnh, ẩm thực mỗi địa phương, vùng miền. Làm thế nào để mỗi hành khách bước xuống tàu trong luyến tiếc, muốn kéo dài thêm hành trình luôn là nỗi trăn trở của toàn ngành.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên trong lịch sử đã đóng góp vai trò quan trọng để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên trong lịch sử đã đóng góp vai trò quan trọng để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.

Không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới để mỗi hành trình là một trải nghiệm, mỗi con tàu có thể thành điểm “check-in” di động; các nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản, đường tàu trở thành đường hoa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội các địa phương.

Dù vậy, chỉ ra những thiếu sót của ngành đường sắt trong việc vận tải gắn với phát triển du lịch, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, khoa Kinh tế vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải), cho rằng những gì chúng ta đã làm được hiện nay vẫn là quá khiêm tốn so với tài nguyên mà ngành đường sắt sở hữu: “Hiện nay, đường sắt vẫn đơn thuần là vận chuyển hành khách mà thiếu đi dịch vụ ở hai đầu và dịch vụ trên hành trình di chuyển. Chính điều này đã khiến du lịch đường sắt chưa thực sự thu hút”, ông Thái nói.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, để phát triển du lịch đường sắt cần kết hợp các các loại hình dịch vụ khác như nghỉ dưỡng, ăn uống… “Bằng cách phát triển có trọng điểm, lựa chọn đầu tư vào những tuyến đường sắt phù hợp du lịch, đáp ứng những hành khách muốn trải nghiệm đường sắt, mà có được chất lượng dịch vụ tốt, trải nghiệm êm ái, có những khoang nhà hàng như food tour bằng đường sắt thì mới có sức hút”, ông Đạt nêu ý kiến.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate