Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì tính đến thời điểm này, cấp mầm non có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ học trực tiếp. 9 tỉnh, thành chưa tổ chức cho trẻ mầm non đi học trực tiếp gồm: Hậu Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Phú Yên, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang.
Đối với cấp tiểu học, 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp, trong đó tỉnh Hưng Yên chỉ tổ chức khối lớp 1 và Vĩnh Long chỉ tổ chức khối lớp 5. Ngoài ra 4 tỉnh, thành phố chưa tổ chức gồm: Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang.
Đối với THCS, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Riêng TP. Hà Nội ngoài khối 7 đến 12 trên địa bàn thì còn có thêm khối lớp 1 đến 6 của 18 huyện, thị xã ngoại thành được đi học trực tiếp. Còn ở tỉnh Vĩnh Long chỉ học sinh khối 6, 9 đi học tập trung.
Bên cạnh đó cấp THPT cũng đã có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp, các cơ sở giáo dục đại học đều 100% có kế hoạch tổ chức dạy học tại trường.
Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết: qua thống kê từ các địa phương thì tổng số học sinh học trực tiếp đạt tỉ lệ 93,71%. Trong đó, khối mầm non: 54/63 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ 85,71%; khối tiểu học, 59/63 tỉnh, thành phố, tỉ lệ 93,65%; khối THCS, 62/63 tỉnh, thành phố, tỉ lệ 94,41%; khối THPT, 63/63 tỉnh, thành phố, tỉ lệ 99,0%.
Ngoài ra theo kế hoạch từ ngày 21/2, cấp mầm non sẽ có 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Còn 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang, Tiền Giang dự kiến cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể. Cấp tiểu học có 62/63 tỉnh, thành phố cho học sinh học trực tiếp, riêng tỉnh Tiền Giang chưa xác định thời gian cụ thể. Cấp trung học cơ sở có 63/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp. Cấp trung học phổ thông: 63/63 tỉnh, thành phố duy trì học trực tiếp.
Để đảm bảo việc đến trường được an toàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu tại tất cả các tỉnh, thành phố, Sở Giáo dục & Đào tạo phải xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; Xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; Triển khai thực hiện sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; Chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường.
Được biết, trong lần gần đây nhất đến thăm các cơ sở giáo dục mầm non tại Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhắc lại quan điểm chung của ngành Giáo dục và Y tế là phối hợp nhất quán, cương quyết, kịp thời trong việc mở cửa trường học từ mầm non cho tới đại học.
"Người lớn đã đi làm, các khu công nghiệp đã mở cửa, đường phố đi lại bình thường… Tất cả đã bình thường trong tình hình mới, không có lí do gì để trường học không bình thường. Học sinh dù đã tiêm vaccine hay chưa tiêm vaccine, tất cả đều cần phải đến trường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên phải sống chung với dịch bệnh lâu dài chứ không phải một sớm một chiều. Vì vậy cần lấy hiểu biết về dịch bệnh, lấy chuẩn bị kỹ lưỡng, lấy xử lý tình huống phù hợp để ứng phó.