Ngày 14/5/2025, đại diện Bệnh viện Hữu Nghị cho biết một phụ nữ 43 tuổi đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân tiền sử ung thư vú, nhập viện vì mệt mỏi, chán ăn, sốt. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tải lượng virus viêm gan B lên tới hàng tỷ bản sao trong máu.
Người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus, hỗ trợ chức năng gan, song tình trạng cải thiện ít, men gan vẫn tăng cao kèm vàng da tiến triển nhanh, rối loạn đông máu, suy giảm ý thức. Xác định bệnh nhân hôn mê gan, tiên lượng nặng, êkíp hồi sức tích cực bằng cách thay huyết tương 4 lần với tổng số 12 lít được sử dụng.
Đây là phương pháp lọc máu nhằm loại bỏ huyết tương chứa tác nhân gây bệnh, thay bằng huyết tương khỏe mạnh để hỗ trợ chức năng gan và tạo điều kiện cho gan phục hồi. Nhờ biện pháp này, tình trạng bệnh nhân từng bước cải thiện, ý thức dần hồi phục, giảm mệt mỏi. Các chỉ số men gan và rối loạn đông máu cũng ổn định trở lại, triệu chứng vàng da thuyên giảm rõ rệt.

Tương tự, ngày 4/5/2025, một phụ nữ 54 tuổi mắc viêm gan B nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, da và mắt vàng sẫm, suy kiệt nặng. Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân mắc viêm gan B 30 năm không điều trị, từng dùng thuốc nam một thời gian rồi dừng hẳn 4 năm trước. Khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân suy kiệt, phù toàn thân, phải hỗ trợ thở oxy, chảy máu tại vị trí tiêm truyền.
Bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tổn thương phổi lan tỏa hai bên, tổn thương gan nghiêm trọng, men gan tăng gấp 4 lần... Chỉ số viêm CRP lên tới 161 mg/L, cao gấp hơn 30 lần giới hạn bình thường, cho thấy bệnh nhân đang bị nhiễm trùng toàn thân. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan nặng trên nền viêm gan B mạn tính, kèm viêm phổi và nhiễm trùng huyết tiến triển, đang điều trị tích cực.
Bác sĩ Phạm Thanh Bằng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết viêm gan B có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể suốt hàng chục năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi sức đề kháng suy yếu, hoặc người bệnh dùng thuốc bừa bãi, virus viêm gan B có thể tái hoạt mạnh mẽ, dẫn đến suy gan cấp tính, thậm chí tử vong nếu không kịp thời can thiệp.
Vì vậy, bác sĩ cảnh báo người mắc viêm gan B tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc, hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này có thể gây tổn thương gan âm thầm, đẩy nhanh quá trình xơ gan, dẫn đến suy gan và ung thư gan.

Thực tế, viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến nhất thế giới. Virus viêm gan B sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ khiến chức năng gan suy giảm nghiêm trọng. Ở giai đoạn cấp tính, 95% người bệnh có thể tự khỏi nếu mắc bệnh ở tuổi trưởng thành. Nhưng khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, người bệnh phải chấp nhận sống chung với virus suốt đời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 254 triệu người đang sống chung với viêm gan B và đối với viêm gan C là 50 triệu người; mỗi ngày có 6.000 người nhiễm mới và 3.500 người tử vong, con số đáng báo động này vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B và C cao nhất trên thế giới với khoảng 6,5 triệu người nhiễm viêm gan B và 900.000 người nhiễm viêm gan C. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm.
Tại hội nghị khoa học cập nhật các kỹ thuật mới nhất về chẩn đoán điều trị bệnh truyền nhiễm được Hội Truyền nhiễm Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS. Bùi Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Gan mật TP.HCM, cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan virus (B, C) tại nước ta đã có xu hướng giảm, do đã có chiến lược tiêm vaccine viêm gan B, bao gồm tiêm vaccine viêm gan B trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với chương trình phòng chống viêm gan virus tại Việt Nam chính là tỷ lệ người dân nhận biết tình trạng nhiễm viêm gan virus B và C còn thấp. Theo một khảo sát vào năm 2024, có đến 66% người Việt tham gia khảo sát cho rằng việc xét nghiệm viêm gan virus B và C là không quan trọng và sức khỏe của họ vẫn ổn.

Ngoài ra, theo những số liệu mới nhất, trong số khoảng 7,6 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B, chỉ hơn 1,6 triệu người chẩn đoán bệnh và khoảng 45.000 người được điều trị. Tương tự, chỉ khoảng 60.000 người được chẩn đoán viêm gan C và rất ít trường hợp tiếp cận điều trị trong số gần một triệu ca mắc.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), viêm gan B và viêm gan C gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn tại nước ta. Khi bị nhiễm virus viêm gan B, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Để giảm tải cho hệ thống y tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, theo các chuyên gia y tế, việc phòng ngừa các bệnh gan là yếu tố then chốt.
Các chuyên gia lưu ý, nếu chỉ xét nghiệm HBsAg thông thường thì có nguy cơ bỏ sót viêm gan virus B. Do đó, cần chú trọng xét nghiệm chuyên sâu Anti-HBs, Anti-HBc giúp phát hiện chính xác viêm gan virus B và C, giúp người bệnh được theo dõi, chỉ định điều trị đúng với tình trạng bệnh, tránh diễn biến nặng gây xơ gan, ung thư gan.

Cùng với đó, vaccine viêm gan B có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm Hepatitis B virus, là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất. Trẻ sơ sinh tiêm liều đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh, tiếp theo là 2 - 3 liều trong 6 tháng đầu đời. Tại Việt Nam, vaccine viêm gan B được cung cấp miễn phí qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Người lớn chưa nhiễm cũng nên tiêm vaccine viêm gan B, đặc biệt khuyến cáo cho nhân viên y tế, người có nguy cơ cao (tiếp xúc với máu, quan hệ tình dục không an toàn), và người có tiền sử gia đình mắc viêm gan B. Hiện nay có nhiều loại vaccine phòng viêm gan B đang được cấp phép và lưu hành. Tùy vào loại vaccine và đối tượng tiêm mà mức giá có sự khác nhau.