May 15, 2025 | 09:26 GMT+7

Tác động qua lại của thừa cân và sức khỏe tâm thần

Hoài Phương -

Theo các chuyên gia, béo phì không đơn thuần là vấn đề ngoại hình mà là tình trạng bệnh lý phức tạp, ảnh hưởng đồng thời đến thể chất, tinh thần và đời sống xã hội của người bệnh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đài CNN, một nghiên cứu ước tính gần 1/10 thanh thiếu niên trên toàn thế giới, đặc biệt là nữ giới, đã sử dụng các sản phẩm giảm cân không hiệu quả và có khả năng gây hại, bên cạnh nhiều loại thuốc không kê đơn và thực phẩm bổ sung khác. Thuốc giảm cân là sản phẩm phổ biến nhất, tiếp theo là thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu.

Các chuyên gia nhấn mạnh, những chương trình giảm cân trong hệ thống chăm sóc sức khỏe truyền thống được xây dựng để phòng tránh một số rủi ro nhất định, nhưng không chuẩn bị cho tình huống người bệnh chuyển sang dùng các sản phẩm giảm cân không kê đơn.

"Khi bệnh nhân cảm thấy tuyệt vọng để giảm cân, họ chuyển sang làm những việc không được hướng dẫn và có những lựa chọn kém lành mạnh hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần", tiến sĩ Sarah Raatz, Trung tâm Y học béo phì Đại học Minnesota, cho biết.

NỖI KHỔ CỦA BỆNH NHÂN

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, một nữ bệnh nhân mới đây vừa nhập viện trong tình trạng tăng hơn 30 kg trong gần 5 năm, chỉ số BMI 33.4 tương đương béo phì độ 2, diện tích mỡ nội tạng là 198,5 cm2 (cao gấp đôi ngưỡng an toàn).

Tác động qua lại của thừa cân và sức khỏe tâm thần - Ảnh 1

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết ngoài tình trạng béo phì, bệnh nhân còn có các yếu tố bất ổn về sức khỏe tinh thần. Người bệnh mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực đang ở pha trầm cảm không điển hình. Khác với pha trầm cảm điển hình (thường mất ngủ, chán ăn), người bệnh pha trầm cảm không điển hình ăn uống vô độ, tìm đến thức ăn như một cơ chế xoa dịu cảm xúc, từ đó khiến cân nặng tăng nhanh.

Tương tự, theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, nữ bệnh nhân N.T.D, 28 tuổi, ở Hưng Yên, nhập viện trong tình trạng tâm lý suy sụp, gần như mất kết nối với môi trường xung quanh. Cân nặng lên tới hơn 102kg, chỉ số BMI của D. ở mức 39 – thuộc nhóm béo phì độ III, vượt xa ngưỡng bình thường của người châu Á (BMI dưới 23).

Bên cạnh ảnh hưởng tâm lý, bệnh nhân còn đối mặt với hàng loạt hệ lụy về sức khỏe như rối loạn mỡ máu, tăng cholesterol, nguy cơ tim mạch cao, thoái hóa khớp gối gây đau nhức và vận động ngày càng hạn chế.

Cô từng thử nhiều phương pháp giảm cân nhưng đều thất bại. Bệnh viện sau đó chỉ định can thiệp ngoại khoa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phương pháp được áp dụng là phẫu thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng - một trong những kỹ thuật phổ biến điều trị béo phì hiện nay.

Không chỉ ở người trẻ tuổi, triệu chứng tâm lý đi kèm thừa cân cũng xuất hiện ở phụ nữ trung niên. Chị N.T.T (44 tuổi, ở Bình Định) sau khi sinh con bắt đầu tăng cân không kiểm soát. Trọng lượng chạm mốc 100kg, cơ thể nặng nề, khiến chị luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi và chán nản. Để lấy lại vóc dáng, chị T đã đến khám và điều trị tại Bệnh viện TW Quân đội 108.

Tác động qua lại của thừa cân và sức khỏe tâm thần - Ảnh 2

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện TW Quân đội 108, cho biết thừa cân, béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính, như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ...

Đặc biệt, người mắc bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm tăng 55% theo thời gian; còn những người bị trầm cảm cũng tăng 58% nguy cơ béo phì.

CẦN ĐIỀU TRỊ LÂU DÀI VÀ TOÀN DIỆN

Theo nhiều nghiên cứu gần đây, tỷ lệ người béo phì mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực… ngày càng nhiều và ngược lại, người mắc các bệnh về tâm lý cũng dễ mắc béo phì hơn người bình thường. Hiểu được những tác động này là rất quan trọng đối với người bệnh, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang hướng đến một quy trình điều trị toàn diện bao gồm cả bệnh lý và tâm lý.

Việc điều trị cần được thực hiện toàn diện, kết hợp giữa thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện và hỗ trợ y khoa khi cần thiết. Một số loại thuốc giảm cân hiện nay được cấp phép sử dụng nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa kê đơn và theo dõi nghiêm ngặt, do tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Việc sử dụng các sản phẩm giảm cân trôi nổi trên thị trường có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tác động qua lại của thừa cân và sức khỏe tâm thần - Ảnh 3

Sự nôn nóng, chưa hiểu rõ phương pháp điều trị cùng với việc có quá nhiều nguồn thông tin chưa chính xác về các loại thực phẩm chức năng, các biện pháp giảm cân có thể khiến người bệnh béo phì có quyết định sai lầm. Khi những biện pháp này không đem lại hiệu quả như mong muốn, tâm lý của người bệnh lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ở chiều ngược lại, ThS.BS. Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết các yếu tố tâm lý, trong đó có tình trạng căng thẳng, là một trong những nguyên nhân gây ra béo phì. Tình trạng căng thẳng gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, làm thay đổi hành vi và thói quen trong cuộc sống hằng ngày một cách tiêu cực. Biểu hiện rõ nét nhất là việc ăn uống, sinh hoạt và vận động thiếu lành mạnh. Căng thẳng còn khiến các chức năng sinh học của cơ thể bị rối loạn.

Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychiatry, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha đã theo dõi hơn 3.000 người lớn trong 6 năm và phát hiện những người dùng thuốc chống trầm cảm tăng cân gấp đôi so với những người không dùng thuốc. Thậm chí, những người này thực hiện chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục... nhưng tác dụng của thuốc vẫn tăng dần theo thời gian.

Tiến sĩ Gabriela Lugón, một nhà nghiên cứu tại Bệnh viện del Mar và Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona, ​​cho biết: "Chúng ta không thể chỉ kê đơn thuốc chống trầm cảm vì những tác dụng tích cực của chúng mà không cân nhắc đến tác dụng phụ này. Do nguy cơ bệnh nhân ngừng điều trị vì tăng cân, chúng tôi phải cân nhắc các chiến lược điều trị thay thế để bổ sung cho phương pháp điều trị khác".

Tác động qua lại của thừa cân và sức khỏe tâm thần - Ảnh 4

Theo BS. Nguyễn Minh Mẫn, các nghiên cứu đã chứng minh người bệnh béo phì có thể giảm 5 - 10% trọng lượng cơ thể ban đầu trong khoảng thời gian 6 tháng khi được điều trị bằng chương trình tập luyện thể chất, thay đổi chế độ ăn và đặc biệt là các chiến lược thay đổi hành vi, lối sống.

Các bác sĩ tâm lý sẽ giúp người bệnh can thiệp thay đổi hành vi thành công, nâng cao khả năng tự điều chỉnh, từ đó hướng đến việc xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh, góp phần tích cực vào hiệu quả của quá trình điều trị béo phì.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate