April 05, 2010 | 19:21 GMT+7

6 đề nghị hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông

Nguyễn Vũ

Các nước thành viên Ủy hội Sông Mê Kông thông qua Tuyên bố chung Hua Hin

Những người đứng đầu chính phủ 4 quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông - Ảnh: Chinhphu.vn.
Những người đứng đầu chính phủ 4 quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Kông - Ảnh: Chinhphu.vn.
Chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Huahin, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự hội nghị cấp cao Ủy hội Sông Mê Kông.

Theo nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 5/4, Hội nghị cấp cao Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế lần thứ nhất đã diễn ra trọng thể tại Hua Hin (Thái Lan) với sự tham gia của thủ tướng 4 quốc gia thành viên là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia; các nước đối thoại là Trung Quốc, Myanmar; các quốc gia và các tổ chức tài trợ quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác Mê Kông, cam kết sẽ phối hợp với các nước trong việc thực hiện các tầm nhìn của Uỷ hội, thực hiện đầy đủ Hiệp định Mê Kông, tiếp tục phát huy “tinh thần hợp tác Mê Kông” nhằm chung sức xây dựng sông Mê Kông không chỉ là dòng sông kết nối các nền văn hoá, dòng sông của tình đoàn kết và hữu nghị mà còn là dòng sông của hợp tác, phát triển và hội nhập.

Nhất trí với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông”,  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra 6 đề nghị.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc quản lý́ tổng hợp tài nguyên nước.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu đối với toàn lưu vực sông Mê Kông, từ đó đề ra kế hoạch hành động ứng phó chung.

Thứ ba, hoàn thiện các khung pháp lý và thiết lập cơ chế cụ thể để phối hợp thực hiện các bộ thủ tục về sử dụng nguồn nước đã được Ủy hội thông qua và hoàn tất bộ thủ tục về bảo đảm chất lượng nguồn nước.

Thứ tư, tăng cường năng lực về mọi mặt cho Ủy hội Sông Mê Kông cả về đội ngũ cán bộ, tổ chức và cơ sở vật chất.

Thứ năm, đối với các nước đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Trung Quốc đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong trong mùa khô, đề nghị Trung Quốc, Myanmar xem xét tích cực việc trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội để cùng nhau hợp tác sử dụng bền vững, có trách nhiệm nguồn tài nguyên nước Mê Kông.

Thứ sáu, đối với các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để phát triển lưu vực sông Mê Kông thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường.

Kết thúc hội nghị, những người đứng đầu chính phủ 4 quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố chung Hua Hin cam kết mạnh mẽ việc 4 nước thành viên Ủy hội Sông Mê Kông tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững; sử dụng quản lý hợp lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mê Kông.

Tuyên bố chung cũng xác định các lĩnh vực ưu tiên cho kế hoạch hành động trong giai đoạn tới là phê chuẩn và thực hiện chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp về tài nguyên nước; nỗ lực bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị lũ lụt; khuyến khích vận tải và thương mại đường thủy, trao đổi; nghiên cứu và tiếp cận các mối đe dọa đến sinh kế do biến đổi khí hậu; chia sẻ thông tin về số liệu, kinh nghiệm về việc quản lý, sử dụng nguồn nước; cam kết đẩy mạnh hợp tác trong việc thực hiện Hiệp định Mê Kông 1995; xây dựng một ủy hội hoạt động có hiệu quả; tăng cường hoạt động với các đối tác chiến lược; hoan nghênh các quốc gia ven sông khác (Trung Quốc, Myanmar) tích cực tham gia các hoạt động của Ủy hội…

Sông Mê Kông dài 4.800 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở độ cao trên 5.000 mét. Lưu vực sông Mê Kông có tổng diện tích là 795.000 km2, trải rộng trên lãnh thổ 6 quốc gia trong vùng là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và một phần lãnh thổ quan trọng của Việt Nam. Sông Mê Kông đứng thứ 12 thế giới về chiều dài, thứ 8 về tổng lượng dòng chảy.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate