May 12, 2025 | 20:32 GMT+7

Mua bán dữ liệu diễn ra dưới nhiều hình thức gây thiệt hại lớn về kinh tế

Nhĩ Anh -

Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh), hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, uy tín của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân...

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (Đoàn Bắc Ninh) thảo luận tại tổ. Ảnh: quochoi.vn
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (Đoàn Bắc Ninh) thảo luận tại tổ. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phát biểu ý kiến về dự thảo luật, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (đoàn Bắc Ninh), cho hay việc xây dựng dự án luật xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay khi hiện nay, dữ liệu cá nhân được xác định là tài nguyên quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đổi mới sáng tạo cũng như góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

DỮ LIỆU CÁ NHÂN LÀ LOẠI DỮ LIỆU ĐẶC BIỆT, GẮN LIỀN VỚI QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN RIÊNG TƯ

Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ rằng hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam có tới 68 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cần phải điều chỉnh, sửa đổi. Trong đó, chưa có chế tài hình sự để điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân; cũng như chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thực tế thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập “thừa” dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Các hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân của các tổ chức, cá nhân và các đối tượng xấu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng hiện nay, tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra khá phổ biến trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc có biện pháp bảo vệ không tương xứng đã dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai, hoặc sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như lừa đảo, đánh bạc, vu khống, hạ nhục người khác…

Chiều 12/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chiều 12/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cùng với đó, hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, uy tín của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đặt ra yêu cầu cấp bách trong hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số với sự tham gia ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của dữ liệu số và dữ liệu cá nhân đã trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực, tạo ra giá trị lợi nhuận trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân là loại dữ liệu đặc biệt, gắn liền với quyền con người, quyền riêng tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, quyền nhân thân của chủ thể dữ liệu. Vì thế các yêu cầu, điều kiện trong quá trình xử lý để bảo vệ dữ liệu cá nhân mang tính nguyên tắc đặc thù, cần được ưu tiên áp dụng tương tự như thông lệ quốc tế hiện nay.

Việc thống nhất điều chỉnh các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân tại luật này sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải quyết hạn chế thiếu thống nhất, rải rác trong các quy định hiện hành.

Đồng thời, phạm vi điều chỉnh của luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở cả môi trường truyền thống (giấy tờ, hồ sơ, tài liệu…) và môi trường điện tử là rất cần thiết, phù hợp với thực tế, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu. Nếu chỉ quy định môi trường điện tử sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi xâm hại dữ liệu cá nhân.

Tại Điều 46 của dự thảo luật về chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định giữa Luật dữ liệu và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Bộ Công an nhận thấy rằng cần tiếp tục rà soát và điểu chỉnh các quy định, quan tâm hơn đến việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới, đảm bảo phù hợp, thống nhất, tương thích với quốc tế, dễ hiểu, áp dụng đồng bộ, không tạo ra rào cản về thủ tục hành chính.

BẢO VỆ NHƯNG CẦN CHÚ TRỌNG CƠ CHẾ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KINH TẾ DỮ LIỆU

Tham gia góp ý dự án luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng đây sẽ là một đạo luật nền tảng cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Lê Thu Hà, đoàn Lào Cai, nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên mà dữ liệu được ví như “dầu mỏ mới”, thì việc bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là bảo vệ quyền riêng tư, mà còn là bảo vệ con người, bảo vệ chủ quyền số quốc gia và củng cố lòng tin của người dân vào tiến trình chuyển đổi số”.

Nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân là “bản sao số” của mỗi con người trong thời đại số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là một đạo luật kỹ thuật, mà là tuyên ngôn về quyền riêng tư, đạo đức số, và trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ người dân trước những rủi ro vô hình trên không gian mạng, đại biểu Hà đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các hành vi bị cấm: ép buộc cung cấp dữ liệu, thu thập trái phép quy mô lớn, sử dụng mã độc chiếm đoạt dữ liệu, lợi dụng AI để phân biệt đối xử, xâm phạm quyền con người, an ninh mạng, an ninh quốc gia.

 

Dự thảo hiện nay thiên về bảo vệ dữ liệu, nhưng chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu. Khoản 5 Điều 7 dự thảo cấm tuyệt đối "mua, bán dữ liệu cá nhân". Theo đại biểu Trần Văn Khải, quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển.

Quan tâm yếu tố giá trị dữ liệu, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đoàn Hà Nam), đánh giá Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước đầu thiết lập khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nhiều điểm tiến bộ đã được đưa vào như bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu, nghĩa vụ minh bạch và an toàn thông tin của bên kiểm soát, các biện pháp bảo vệ dữ liệu.

Đáng chú ý, đại biểu đánh giá dự thảo thể hiện tinh thần khuyến khích đổi mới trong các điều khoản như: Miễn trừ một số yêu cầu về nhân sự bảo vệ dữ liệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp 5 năm đầu; cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân trong các chương trình thí điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mà không bị coi là mua bán dữ liệu... Những điểm mới này phần nào phản ánh tinh thần “quản lý nhưng không cấm đoán cực đoan” của Nghị quyết 57.

Tuy nhiên, theo đại biểu, một nội dung cốt lõi mà Nghị quyết 57 đề ra– yêu cầu "đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính" để phát triển kinh tế dữ liệu chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo luật.

Dự thảo hiện nay thiên về bảo vệ dữ liệu, nhưng chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu. Khoản 5 Điều 7 dự thảo cấm tuyệt đối "mua, bán dữ liệu cá nhân". Theo đại biểu, quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển.

Đại biểu cho rằng nếu luật không mở đường cho khai thác dữ liệu an toàn thì khó xây dựng được thị trường dữ liệu lành mạnh. Dữ liệu cá nhân có nguy cơ vẫn bị mua bán "chui" trên thị trường ngầm, Nhà nước không tận dụng được tài nguyên số này.

Do vậy, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 5 Điều 7 (Hành vi bị nghiêm cấm): thay quy định cấm tuyệt đối "mua, bán dữ liệu cá nhân" bằng cấm mua bán dữ liệu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật. Đồng thời bổ sung chủ thể dữ liệu tự nguyện chia sẻ dữ liệu của mình để nhận lợi ích sẽ không bị xem là vi phạm nếu tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu.

Bên cạnh đó, bổ sung một điều trong Chương IV (Sử dụng dữ liệu cá nhân): Quy định Nhà nước khuyến khích chia sẻ, sử dụng dữ liệu đã được ẩn danh hoặc tổng hợp phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ. Qua đó hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở giữa nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.

Theo đại biểu, những đề xuất trên nhằm bảo đảm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa nghiêm minh bảo vệ quyền riêng tư, vừa tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate