Như VnEconomy đưa tin, ngày 18/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h. Bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tổng mức đầu tư ước tính: Khoảng 67,3 tỷ USD; Thời gian thực hiện: 10 năm mục tiêu 2035 hoàn thành. Lộ trình dự kiến: Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang (642km) vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh - Nha Trang (899km) dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030. Mục tiêu phấn đấu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.
Hồ sơ kỹ thuật sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Cùng với đó, các phương án về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư Dự án sẽ được trình lấy ý kiến ngay tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 sắp tới.
Về vai trò của dự án, dường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ vận chuyển hành khách và hàng hoá nhẹ khi có nhu cầu. Trong khi đó, đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sẽ chuyên vận chuyển hàng hoá và khách du lịch ngắm cảnh chặng ngắn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP sẽ tăng khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm so với không đầu tư dự án. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất, khai thác thương mại dự kiến khoảng 22 tỷ USD, sẽ góp phần cải thiện nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu: Phục vụ phát kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; tối ưu cơ cấu thị phần vận tải, góp phần giảm chi phí losgictis (chi phí logistics còn cao, chiếm tỉ lệ khoảng 17-18%, so với thế giới hiện nay khoảng 10- 11%). Tạo tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp phụ trợ, xây dựng, vật liệu và tạo ra hàng triệu việc làm.
Về tính cấp thiết, đây là dự án đã được trình Quốc hội từ hơn 13 năm nay nhưng chưa thực hiện được do nhiều lý do. Hạ tầng Việt Nam đang là rào cản cho sự phát triển kinh tế.
Việt Nam hiện có đủ năng lực tài chính, đảm bảo trong khả năng đầu tư. Bộ Tài chính đánh giá đến năm 2030 dự án hoàn toàn đáp ứng 3 tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, hai chỉ tiêu về trả nợ trực tiếp của Chính phủ và bội chi ngân sách tăng nhẹ. Dự kiến thời điểm triển khai vào năm 2027, quy mô nền kinh tế khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Theo giá trị và kế hoạch – công nghệ xây dựng hiện tại, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD. Bình quân khoảng 43 triệu USD/km, thấp hơn suất đầu tư của Indonesia là khoảng 52 triệu USD/km. Và ở mức trung bình so với các nước trên thế giới.
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công hai đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027.
Chứng khoán Yuanta đưa ra ước tính tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 29.1 tỷ USD (giai đoạn 1). Theo đó, chỉ riêng giai đoạn 1, các ngành hưởng lợi là khá lớn với khối lượng công việc liên quan như: sắt thép, vật liệu xây dựng khác, nhà thầu xây dựng, xây dựng điện thiết bị điện, ngân hàng cho vay...
Trong đó, sắt thép là nhóm hưởng lợi nhất, Hưởng lợi rõ nhất vì Chính phủ sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Sắt thép cũng là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án. Yuanta khuyến nghị ưu tiên HPG nhờ lợi thế thép HRC và Dung Quất 2 giúp mở rộng năng lực sản xuất.
Với nhóm nhà thầu xây dựng, mặc dù tổng thầu và bên tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên, các nhà thầu trong nước vẫn có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ.
Các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án, trong đó ưu tiên lựa chọn các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, nhìn xa hơn thì còn có ngành bất động sản hưởng lợi khi giá trị quỹ đất dọc theo tuyến đường sẽ gia tăng giá trị.