May 03, 2022 | 09:06 GMT+7

70% cổ phiếu lớn nhất châu Á tụt giá kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra

Ngọc Trang -

Phong tỏa ở Thượng Hải (Trung Quốc) và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng cho các công ty và ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư...

Ảnh minh họa - Ảnh: Nikkei Asia/AP/Reuters
Ảnh minh họa - Ảnh: Nikkei Asia/AP/Reuters

Theo thống kê của Nikkei Asia, gần 70% cổ phiếu vốn hóa lớn nhất châu Á đã sụt giảm giá trị trong 2 tháng đầu tiên nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế do cuộc chiến này, cũng như tác động tiêu cực từ các đợt phong tỏa mới tại Trung Quốc –  “công xưởng” của thế giới.

Vốn hóa của các công ty hàng đầu châu Á như Tencent Holdings, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics đều sụt giảm do giá vật liệu thô tăng và mối lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy vậy, giá cổ phiếu của các công ty hàng hóa và năng lượng tại Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia đồng loạt tăng nhờ sản lượng lớn và giá tăng.

LOẠT YẾU TỐ BẤT LỢI

Dựa trên dữ liệu từ QUICK-FactSet, Nikkei Asia đã so sánh vốn hóa của các công ty lớn nhất châu Á trong giai đoạn từ 23/2 – một ngày trước khi Nga phát động cuộc tấn công Ukraine – đến 22/4. Theo đó, trong số 627 công ty có vốn hóa hơn 10 tỷ USD tính tới ngày 23/2, chỉ có 31% doanh nghiệp có vốn hóa tăng, và 69% còn lại giảm giá trị vốn hóa trong 2 tháng.

Chiến tranh đã gây ra bấp bênh trên khắp các thị trường, tác động trực tiếp tới các nền kinh tế có mối liên hệ lớn với Nga và đẩy giá năng lượng, lúa mỳ, cùng nhiều hàng hoá cơ bản khác tăng cao trên toàn cầu.

"Hầu hết các nền kinh tế tại châu Á vẫn duy trì sự phụ thuộc lớn vào thương mại với Liên minh châu Âu (EU) – một đối tác quan trọng”, Aninda Mitra, giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư và vĩ mô khu vực châu Á tại BNY Mellon, nhận xét.

Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất hồi giữa tháng 3 khiến các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt, được dự báo có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của Mỹ và nhiều nước khác trong năm nay.  Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại với tăng trưởng nhập khẩu giảm xuống gần 0% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước.

“Các yếu tố này, cùng với chi phí đầu vào tăng, trở thành lực cản chính với triển vọng của chứng khoán châu Á”, ông Mitra nói.

Theo dữ liệu của QUICK-FactSet, chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu xu hướng giảm giá tại châu Á trong 2 tháng sau khi chiến tranh nổ ra. Giá trị vốn hóa của hãng gọi xe công nghệ Didi Global – hiện đang chuẩn bị hủy niêm yết tại sàn chứng khoán New York, đã giảm tới 59% trong giai đoạn này – mức giảm lớn nhất trong số 627 công ty. Trong khi đó, vốn hóa của hãng thương mại điện tử JD.com giảm 27%, còn vốn hóa của Tencent và Alibaba Group đều giảm 23%.

Các cổ phiếu công nghệ vốn có mức giá cao là những mã dễ bị tổn thương nhất khi lãi suất tăng bởi việc này làm giảm giá trị lợi nhuận tương lai của họ. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ bị thắt chặt không phải là nhân tố duy nhất khiến giá cổ phiếu của các công ty này sụt giảm.

“Thị trường lo sợ rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu nước này đề ra”, Mike Leung, nhà quản lý đầu tư tại Wocom Securities ở Hồng Kông, nhận định. “Đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải và sau đó có thể là Bắc Kinh đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và giao thông. Các chỉ số kinh tế chính của Trung Quốc đã giảm trong tháng 3”.

Theo ông Leung, nhu cầu các dịch vụ kỹ thuật số như thương mại điện tử có thể tăng lên khi người dân bị hạn chế đi lại và hoạt động, nhưng nhìn chung nhóm cổ phiếu công nghệ không được hưởng lợi từ các đợt phong tỏa bởi các hoạt động kinh tế đều bị đóng băng.

Đồng quan điểm, ông Lorraine Tan, Giám đốc công ty nghiên cứu chứng khoán Morningstar cho rằng các biện pháp hạn chế để phòng dịch đồng nghĩa người tiêu dùng tránh đi ra ngoài và sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đặc biệt với hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng suy yếu dẫn tới chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu sụt giảm.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc sẽ suy yếu trong quý 2. Covid-19 tại Trung Quốc cần 6-8 tuần để đạt đỉnh và các biện pháp phòng dịch vẫn sẽ được suy trì để kiểm soát dịch”, ông Tan nói.

CỔ PHIẾU NĂNG LƯỢNG, HÀNG HÓA "LỘI NGƯỢC DÒNG"

Nằm trong làn sóng sụt giảm, giá cổ phiếu Sea của Singapore giảm 27% khi công ty thương mại điện tử và game vẫn đang thua lỗ này chịu tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và nhà đầu tư tháo chạy khỏi các cổ phiếu công nghệ giá cao.

Trong khi đó, vốn hóa của nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC tại Đài Loan giảm 11%. Tại Hàn Quốc, vốn hóa của Samsung Electronics sụt 8% trong 2 tháng kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Tháng trước, tham gia vào làn sóng rút khỏi Nga của các doanh nghiệp phương Tây, Samsung đã dừng xuất khẩu điện thoại thông minh và các sản phẩm khác sang Nga. Cùng với đó, nhiều người quan ngại rằng dợt phong tỏa tại Thượng Hải sẽ ảnh hưởng tới công ty lớn nhất Hàn Quốc.

70% cổ phiếu lớn nhất châu Á tụt giá kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra - Ảnh 1

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu liên quan tới hàng hóa và năng lượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt là những doanh nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi. Dẫn đầu nhóm này là Adani Total Gas của Ấn Độ với giá cổ phiếu tăng tới 49%. Thuộc tập đoàn Adani – một trong những tập đoàn lớn nhất tại Ấn Độ, Adani Total Gas, cung cấp khí đốt tự nhiên cho các khách hàng công nghiệp, thương mại và người tiêu dùng.

Giá cổ phiếu của công ty PTT Exploration & Production tại Thái Lan cũng tăng 14%, còn giá cổ phiếu công ty Petronas Chemicals Group – thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh Petronas của Malaysia, tăng 12%. Vốn hóa của Astra International – tập đoàn đa ngành từ sản xuất ô tô cho tới sản xuất dầu cọ, khai thác than – cũng tăng 25% nhờ giá dầu cọ và than tăng mạnh và doanh số ô tô của công ty tăng gần gấp đôi trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm trước.

“Lĩnh vực hàng hóa được hưởng lợi nhiều nhất do cuộc xung đột đã tác động tức thì tới xuất khẩu của Nga, ảnh hưởng tới nguồn cung”, Joshua Crabb, nhà quản lý danh mục cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hà Lan Robeco, nhận định.

Các nhà phân tích dự báo các yếu tố quan trọng sẽ tác động tới thị trường thời gian vẫn sẽ là giá hàng hóa tăng do chiến tranh, chính sách tiền tệ được thắt chặt tại Mỹ, đồng USD mạnh lên cũng như các đợt phong tỏa chống dịch tại Trung Quốc.

"Suy giảm kinh tế mạnh hơn tại Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới phần lớn khu vực châu Á”, ông Mitra của BNY Mellon Investment Management nhận định. "Tuy nhiên, việc này cũng có thể khiến những nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc như Ấn Độ được hưởng lợi”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate