Theo dữ liệu từ chính phủ Singapore, những người đã tiêm vaccine chiếm tới 75% số ca nhiễm mới tại nước này trong 4 tuần qua, nhưng đa số là các trường hợp không nghiêm trọng.
Cụ thể, trong số 1.096 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại Singapore 28 ngày qua, 44% (484 người) đã tiêm vaccine đầy đủ và 30% đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Chỉ có hơn 25% trong số này chưa tiêm vaccine.
Chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng tại Singapore giúp nước này có tỷ lệ người đã được tiêm vaccine ở mức cao hàng đầu thế giới.
Dữ liệu này cho thấy vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh trở nặng, nhưng cũng nhấn mạnh rủi ro rằng kể cả đã được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus. Do đó, chỉ tiêm vaccine có thể chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong số những ca nhiễm trên, có 7 trường hợp nghiêm trọng cần thở oxy và một trường hợp khác cần chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, không ai trong số này đã tiêm vaccine đầy đủ.
“Tiếp tục có những bằng chứng cho thấy tiêm chủng giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh nghiêm trọng khi nhiễm virus”, Bộ Y tế Singapore cho biết và nói thêm rằng tất cả những trường hợp nhiễm Covid-19 đã tiêm vaccine không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Theo các chuyên gia, tình trạng nhiễm virus ở những người đã tiêm vaccine không có nghĩa là vaccine không hiệu quả.
"Tại Singapore, khi ngày càng nhiều người được tiêm vaccine, chúng tôi càng thấy nhiều trường hợp nhiễm virus trong số họ”, Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết. “Điều quan trọng là phải luôn so sánh với tỷ lệ những người vẫn chưa được tiêm vaccine. Giả sử Singapore đạt tỷ lệ 100% người tiêm vaccine đầy đủ, thì tất cả các trường hợp lây nhiễm sẽ xuất phát từ những người đã tiêm chứ không phải từ người chưa tiêm”.
Theo Reuters, hiện gần 75% dân số 5,7 triệu người của Singapore đã được tiêm ít nhất một liều vaccine - cao thứ hai thế giới sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và 50% đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Trong bối cảnh các quốc gia với tỷ lệ tiêm chủng cao đang chuẩn bị sống chung với Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu, trọng tâm của các chính phủ là ngăn chặn các trường hợp bệnh nặng và tử vong nhờ tiêm chủng.
Tuy nhiên, các quốc gia này cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt các biện pháp y tế cộng đồng như đeo khẩu trang giữa những người đã tiêm và những người chưa.
Ví dụ, cả Singapore và Israel, gần đây đều đã khôi phục các biện pháp hạn chế để ứng phó với đợt bùng phát ca nhiễm mới do biến thể Delta. Ngược lại, tại châu Âu, Anh đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế dù số ca nhiễm tăng cao.
"Chúng ta phải chấp nhận rằng sẽ phải có một số biện pháp hạn chế, dù đã tiêm vaccine hay chưa”, Peter Collignon, bác sĩ bệnh truyền nhiễm kiêm nhà vi trùng học tại Bệnh viện Canberra ở thủ đô Australia. "Chỉ là những biện pháp hạn chế có thể ở mức độ cao hơn với người chưa tiêm vaccine so với người đã tiêm, nhưng họ vẫn phải đeo khẩu trang bắt buộc ở các không gian trong nhà”.
Dữ liệu của chính phủ Singapore cũng cho thấy, trong 14 ngày qua, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở nhóm người trên 61 tuổi là 88%, cao hơn tỷ lệ khoảng 70% ở nhóm người trẻ hơn. Giáo sư Linfa Wang của Trường y tế Duke-NUS cho biết người lớn tuổi có phản ứng miễn dịch yếu hơn sau khi tiêm vaccine.
Ở Israel, khoảng 50% trong 46 trường hợp nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng vào đầu tháng 7 là những người đã tiêm vaccine. Phần lớn những người này đến từ các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hiện chưa rõ những dữ liệu của Singapore có phản ánh rằng hiệu quả của vaccine suy giảm trước biến thể Delta hay không. Đây hiện là biến thể chủ đạo tại quốc gia Đông Nam Á vài tháng gần đây.
Theo một nghiên cứu mới công bố đầu tuần này, 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta gần tương đương với biến thể Alpha chủ đạo trước đây. Hiện tại, Singapore đang sử dụng vaccine của Pfizer và Moderna trong chương trình tiêm chủng quốc gia.
Ngày 23/7, Singapore ghi nhận 130 ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Số ca nhiễm tăng mạnh gần đây khiến các nhà chức trách phải thắt chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt ở nhóm người già.