September 01, 2023 | 07:00 GMT+7

8 tháng đã gần về đích, Việt Nam có nên nâng mục tiêu đón khách quốc tế?

Tường Bách -

Tính đến hết tháng 8, Việt Nam đón hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế, đạt gần 98% mục tiêu cả năm. Dù vậy, mục tiêu đón khách quốc tế 2023 hay tỷ lệ phục hồi du lịch so với năm 2019 của Việt Nam thấp nhất trong top 5 điểm đến phổ biến hàng đầu Đông Nam Á…

Ảnh: Saigontourist
Ảnh: Saigontourist

Tháng 8 thường được coi là tháng thấp điểm về đón khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên năm nay lượng khách tăng trưởng tích cực. Trong tháng 8/2023 có 1.217,4 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 17,2% so với tháng trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 9,5 triệu lượt. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón trên 7,8 triệu khách quốc tế, phục vụ 86 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 482 nghìn tỷ đồng.

Theo Cục Du lịch Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Australia, Malaysia vẫn là các thị trường khách quốc tế lớn nhất. Hàn Quốc giữ vững vị trí số 1 với 2.274.213 lượt người trong 8 tháng. Trong đó, riêng tháng 8 có 385.904 lượt khách Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng gần 100 nghìn người so với tháng 7.

Trung Quốc là thị trường gửi khách đứng thứ 2 với 949.878 lượt người trong 8 tháng. Tiếp theo là thị trường Mỹ với 502.906 lượt khách. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ tư với 498.017 lượt khách và với 349.173 lượt khách, Nhật Bản là thị trường gửi khách lớn thứ 5 của Việt Nam trong 8 tháng qua.

Trong tháng 8/2023 có 1.217,4 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 17,2% so với tháng trước.
Trong tháng 8/2023 có 1.217,4 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 17,2% so với tháng trước.

Các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 7/2023 gồm: Tây Ban Nha (tăng 156%), Italy (tăng 156%), Hà Lan (tăng 103%), Nhật Bản (tăng 54%), Pháp (tăng 47%), Hàn Quốc (tăng 35%), Thái Lan (tăng 31%), Anh (tăng 28%), Đức (tăng 27%), Hong Kong (Trung Quốc) (tăng 25%).

Các thị trường có lượng khách giảm so với tháng 07/2023 là: Na Uy (giảm 62%), Đan Mạch (giảm 46%), Thụy Điển (giảm 44%), Phần Lan (giảm 23%), Mỹ (giảm 20%), Australia (giảm 17%), New Zealand (giảm 16%), Đài Loan (Trung Quốc) (giảm 10%). 

Trong tổng số hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 8 tháng năm 2023, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 6,9 triệu lượt người, chiếm 87,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 909.700 lượt người, chiếm 11,6% và gấp 5,4 lần; bằng đường biển đạt 59.700 lượt người, chiếm 0,8% và gấp 154,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

8 tháng đã gần về đích, Việt Nam có nên nâng mục tiêu đón khách quốc tế? - Ảnh 1

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thị trường khách tăng đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực, với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày theo Nghị quyết 128/NQ-CP có hiệu lực từ 15/8/2023. Từ nay đến cuối năm - tháng cao điểm đón khách du lịch nước ngoài, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Đặc biệt, các thị trường khách được miễn visa như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy... vẫn đang có tốc độ tăng trưởng cao. Chuẩn bị lộ trình đón khách quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành khai thác mảng inbound đã gấp rút xây dựng kế hoạch dài hơi với những sản phẩm chủ lực mới phù hợp chính sách visa mới. Nhiều chuyên gia du lịch nhận định chính sách visa mới có thể giúp tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ 10 - 25% mỗi năm. 

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thị trường khách tăng đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các thị trường khách tăng đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực.

Theo tính toán của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), với tình hình khả quan như hiện nay, Việt Nam có thể nâng mục tiêu ít nhất đón 10 - 12 triệu lượt khách trong năm 2023, mức tăng tương ứng với các nước trong khu vực. "Thái Lan đã tăng mục tiêu đón khách quốc tế từ 10 triệu lượt lên 30 triệu lượt khi nhìn thấy các điều kiện thuận lợi. Do đó, du lịch Việt Nam cũng không nên quá thận trọng", ông Hoàng Nhân Chính, trưởng Ban thư ký TAB, cho biết. “Thời gian qua, nhiều quốc gia trong khu vực đã rục rịch điều chỉnh mục tiêu đón khách quốc tế khi nhận thấy tình hình thay đổi”. 

Trước dịch, 5 nước đón khách nhiều nhất khu vực là Thái Lan (39,8 triệu lượt), Malaysia (26,1 triệu lượt), Singapore (19 triệu lượt), Việt Nam (18 triệu), Indonesia (15,5 triệu), theo Tổ chức Du lịch Thế giới. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt, mức độ phục hồi so với trước dịch đạt 44%. 4 nước còn lại đều đặt mục tiêu cao hơn. Sau khi Trung Quốc mở lại biên giới, chính phủ Thái Lan dự kiến đón 28 - 30 triệu lượt khách trong năm nay. Như vậy, mục tiêu phục hồi của nước này đặt ra so với trước dịch ở mức 63 - 75%.

Malaysia dự kiến đón 16 - 18 triệu lượt khách, đẩy mức độ phục hồi mục tiêu lên 69%. Singapore đón 12 - 14 triệu lượt khách, tương đương mức độ phục hồi 63 - 73%. Indonesia ban đầu dự kiến đón 7,4 triệu lượt nhưng đến tháng 7 nâng mục tiêu lên 8,5 triệu lượt. Tỷ lệ phục hồi tăng từ 46 lên 53%, cho thấy quyết tâm của nước này trong việc đón khách quốc tế.

Từ nay đến cuối năm - tháng cao điểm đón khách du lịch nước ngoài, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế.
Từ nay đến cuối năm - tháng cao điểm đón khách du lịch nước ngoài, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế.

Tuy nhiên, Cục Du lịch Quốc gia cũng cho rằng, chính sách thị thực được tháo gỡ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, nâng cao sức cạnh tranh, tạo sức hút mạnh mẽ đối với những thị trường khách quốc tế thì phải có những giải pháp đồng bộ, tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn.

Ngành du lịch cần triển khai công tác xúc tiến quảng bá mạnh mẽ, bài bản, chuyên nghiệp hơn. Chú trọng công tác quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn, những chính sách tạo điều kiện cho khách khi đi du lịch Việt Nam. Đồng thời, cần đào tạo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, từ đó tạo nên chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách; ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, muốn du lịch nước ta hấp dẫn hơn, đặc biệt nâng cao năng lực cạnh tranh hơn, tạo sức hút mạnh mẽ với khách quốc tế cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều khía cạnh. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch phải tạo được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh về giá, tạo sức hấp dẫn.

Bên cạnh đó, thay đổi phương cách xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng một bài bản, chuyên nghiệp hơn, đi vào các nhánh phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Việc quản lý điểm đến, nhất là an ninh an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đi du lịch tại Việt Nam cần được chú trọng hơn nữa. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu du khách. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate