April 29, 2021 | 13:47 GMT+7

80% vật liệu từ tấm pin mặt trời phế thải có thể thu hồi và tái sử dụng

Theo dự báo, đến năm 2030 lượng pin mặt trời phế thải là khoảng 2 triệu tấn và sẽ tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2050…

Vật liệu từ tấm pin mặt trời có thể tái chế
Vật liệu từ tấm pin mặt trời có thể tái chế

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điện năng sản xuất từ điện mặt trời sẽ đạt khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và tăng lên 210 tỷ kWh vào năm 2050.

Như vậy, để có được sản lượng điện mặt trời nêu trên thì công suất lắp đặt điện mặt trời đến năm 2030 là khoảng 29.000 MWp và tăng lên 170.000 MWp vào năm 2050.

1 MWp THẢI RA GẦN 70 TẤN PHẾ THẢI

Tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện. Như vậy, nếu đúng như dự báo của Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo đã được phê duyệt, thì lượng pin mặt trời phế thải đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn và tăng lên khoảng 12 triệu tấn vào năm 2050.

Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) đến năm 2030 công suất điện mặt trời khoảng 18.890 MWp và năm 2045 dự kiến khoảng 53.000 MWp. Nếu dự báo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành hiện thực, thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin mặt trời ước tính hơn 400 nghìn tấn vào 2035 và khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.

TS. Nguyễn Văn Hội,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương
TS. Nguyễn Văn Hội,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương

TS. Nguyễn Văn Hội,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng nếu so sánh với các nước dẫn đầu về điện mặt trời trên thế giới thì khối lượng chất thải tấm pin mặt trời tại Việt Nam khá nhỏ. Còn nếu so sánh với nhiệt điện than thì chất thải tấm pin mặt trời bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay (khoảng 17 triệu tấn).

“Cho đến nay Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào về chất thải pin mặt trời. Tuy nhiên, chất thải từ tấm pin mặt trời chưa chứng minh được là độc hại đến môi trường. Các nước dẫn đầu về năng lượng mặt trời hầu như vẫn chưa có cơ chế, chính sách về tái chế trừ một số nước thuộc châu Âu. Việc chậm ban hành các chính sách của các nước trên thế giới có thể do vấn đề rác thải từ tấm pin mặt trời chưa cấp bách”, TS Hội thông tin.

Nói rõ hơn, Th.s Đào Minh Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2, cho biết tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hiện không có luật lệ nào quy định về việc quản lý, xử lý tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng. Chỉ có châu Âu đã có quy định tỷ lệ tái chế/tái sử dụng pin mặt trời 85%/80%.

 

Việc thu gom, tái chế các tấm pin mặt trời phế thải mang lại lợi ích rất lớn về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm tăng hiệu quả kinh tế của công nghiệp điện mặt trời, vì khoảng 80% vật liệu từ tấm pin mặt trời phế thải có thể thu hồi và tái sử dụng.

“Tuổi thọ các tấm pin mặt trời kéo dài đến 30 năm và phần lớn vẫn tiếp tục vận hành. Tất cả các vật liệu hình thành nên pin mặt trời đều được thu hồi và tái sử dụng. Các vật liệu đều được xem là tài nguyên, không phải chất thải nguy hại",Th.s Hiển nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, TS Hội cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả các tấm pin năng lượng mặt trời, với phương thức tương tự như thiết bị điện, điện tử hiện nay. Do vậy, rác thải từ pin mặt trời không phải là vấn đề đáng lo ngại. Với công nghệ hiện tại, hiệu suất tái chế có thể lên đến hơn 90%, giúp tận thu hoàn toàn lại rác thải này.

CHẾ TÀI ĐÃ CÓ, QUAN TRỌNG LÀ TRÁCH NHIỆM

Từ những phân tích trên, ông Hiển nhận định pin mặt trời hết hạn sử dụng sẽ không phải là chất thải nguy hại mà là nguồn tài nguyên để tái sử dụng cho mục đích sản xuất pin mặt trời mới có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng cho mục đích khác.

Hơn nữa, tuổi thọ của pin điện mặt trời rất dài 20 - 30 năm. Pin mặt trời từ những năm 1970, 1980 hiện vẫn còn đang được sử dụng. Do đó, lượng pin mặt trời trên thế giới cần xử lý khá ít so với quy mô đã được sản xuất và chủ yếu là do khiếm khuyết, hỏng hóc. Ở Việt Nam đến 20 - 30 năm nữa mới là thời điểm bắt đầu xem xét phương án xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng.

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước trên thế giới, ông Đào Trần Nhân, đại diện Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại cho biết Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật mới “Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng sẽ có hiệu lực từ năm 2023”.

 

Hàn Quốc đang xây dựng một nhà máy tái chế công suất 3.600 tấn/năm tại Jincheon và hai công ty đang xây dựng hai nhà máy, đưa tổng công suất lên 9.7000 tấn/năm. Đến 2030, Hàn Quốc đặt mục tiêu sản xuất và lắp đặt các nhà máy pin điện mặt trời, đưa công suất lên 30.800MW.

Theo đó, Chính phủ nước này yêu cầu, các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu phải đóng phí tái chế, dự kiến là 1,04USD/kg. Trong khi đó, nhà nước sẽ bỏ tiền xây dựng các nhà máy tái chế, xử lý.

 Dẫn chứng thêm, ông Nhân cho biết tại Thụy Sỹ, Chính phủ nước này nêu bật vai trò của nhà đầu tư và công ty chuyên xử lý môi trường trong việc tái chế pin năng lượng mặt trời. Đối với các tấm pin mặt trời đã hết tuổi thọ, nước này sẽ tận dụng những vật tư, linh kiện còn giá trị sử dụng và tiêu hủy những vật tư không còn giá trị sử dụng. Dùng các tấm pin điện mặt trời làm nguồn nguyên liệu chế tạo pin xe điện như ô tô, xe máy… pin mặt trời hết hạn sử dụng

Đối với Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời khá nhỏ so với các nước dẫn đầu, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời. Nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế tấm pin trong tương lai.

Thực tế, Việt Nam đã có những quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý tấm pin năng lượng mặt trời đã có. Tại Thông tư 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời , trong đó điều khoản yêu cầu về môi trường nói rõ: Trong quá trình vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà, bên bán điện có trách nhiệm thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị của các công trình điện mặt trời theo đúng quy định của pháp luật.

“Chế tài đã có, quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội”, TS Khôi kiến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate