May 16, 2025 | 15:18 GMT+7

Tăng cường phối hợp ASEAN – APEC – WTO: Ba trụ cột cho tương lai kinh tế bền vững

Nguyệt Hà -

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thay đổi khó lường, Việt Nam tiếp tục khẳng định lập trường ủng hộ thương mại tự do, tăng cường kết nối khu vực và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc tiếp xúc và họp song phương với bà Ngozi Okonjo – Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc tiếp xúc và họp song phương với bà Ngozi Okonjo – Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngày 15/5/2025, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN bên lề APEC (AEM Caucus) đã diễn ra tại đảo Jeju, Hàn Quốc, dưới sự chủ trì của ông Tengku Zafrul, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025.

Hội nghị là sáng kiến của Malaysia nhằm tăng cường tham vấn nội khối ASEAN về các vấn đề kinh tế - thương mại có ảnh hưởng toàn cầu.

Tham dự hội nghị có đại diện cấp cao của 7 nước ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.

ASEAN TÌM TIẾNG NÓI CHUNG GIỮA BIẾN ĐỘNG KINH TẾ TOÀN CẦU

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu sức ép từ căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, chính sách thuế của các nền kinh tế lớn và xu hướng bảo hộ gia tăng, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần thể hiện vai trò chủ động, đồng thuận và trách nhiệm.

Tại hội nghị, 7 quốc gia tham dự đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, duy trì chuỗi cung ứng, và tăng cường liên kết thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Theo số liệu của ASEANStats, thương mại nội khối ASEAN chiếm khoảng 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu và 21,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực năm 2022, tương đương khoảng 856 tỷ USD. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn được đánh giá là khiêm tốn so với tiềm năng liên kết kinh tế khu vực. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức để ASEAN tiếp tục thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi thương mại và kết nối sâu rộng hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Việt Nam ủng hộ ASEAN cần có cách tiếp cận chiến lược, toàn diện, linh hoạt và thực tế để nâng cao năng lực tự chủ kinh tế và giảm phụ thuộc vào một vài chuỗi cung ứng trọng điểm"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang được triển khai là một trong những bước đi then chốt nhằm hiện đại hóa hệ thống thương mại nội khối và khuyến khích doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thương mại một cách hiệu quả hơn.

Song song đó, Việt Nam đề xuất ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ngoài khối, đặc biệt là Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như kinh tế số, chuyển đổi xanh, logistics, và đổi mới sáng tạo. Những lĩnh vực này đang trở thành động lực mới cho tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ tới.

Khép lại Hội nghị AEM Caucus 2025, các Bộ trưởng ASEAN thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nội khối và với các đối tác APEC, WTO, nhằm định hình môi trường thương mại minh bạch, ổn định và công bằng. Trong bối cảnh nhiều xu hướng mới đang định hình lại kinh tế thế giới, từ số hóa, kinh tế xanh, đến tự cường chuỗi cung ứng, việc ASEAN giữ vai trò trung tâm, cùng với cam kết cải cách từ WTO và hợp tác xuyên khu vực từ APEC, sẽ là ba trụ cột quan trọng bảo đảm tăng trưởng kinh tế khu vực trong trung hạn.

Việt Nam, với vai trò là một trong những nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng, tiếp tục đóng vai trò cầu nối và kiến tạo, đồng hành cùng các sáng kiến khu vực và toàn cầu. Những phát biểu, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Jeju một lần nữa khẳng định định hướng phát triển chủ động, linh hoạt và hội nhập sâu sắc của Việt Nam trong giai đoạn mới.

VIỆT NAM ỦNG HỘ CẢI CÁCH WTO, HƯỚNG TỚI THƯƠNG MẠI CÔNG BẰNG VÀ BỀN VỮNG

Bên lề Hội nghị MRT 31, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã có cuộc gặp song phương với bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh WTO đang đẩy mạnh chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 14 (MC14), dự kiến diễn ra vào tháng 3/2026 tại Cameroon.

Tại buổi trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hệ thống thương mại đa phương, với WTO là trung tâm. Việt Nam ủng hộ cải cách toàn diện tổ chức này, nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu đang chuyển động nhanh và phức tạp. Các nội dung cần ưu tiên, theo phía Việt Nam, bao gồm: nâng cao năng lực xử lý tranh chấp, minh bạch hóa chính sách thương mại, và hỗ trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển và kém phát triển.

Việt Nam hiện là thành viên tích cực của WTO với 18 năm kinh nghiệm hội nhập. Kể từ khi gia nhập WTO năm 2007, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 8 lần, từ mức gần 84,7 tỷ USD lên hơn 681 tỷ USD năm 2023. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc tham gia vào hệ thống thương mại đa phương mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh cho quốc gia.

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất của Việt Nam, đồng thời ghi nhận vai trò xây dựng của Việt Nam trong các vòng đàm phán thương mại thời gian qua. Bà Ngozi khẳng định sự kỳ vọng vào việc Hội nghị MC14 sẽ đạt được các kết quả thực chất, đóng góp tích cực vào việc củng cố hệ thống thương mại toàn cầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate