October 06, 2021 | 14:42 GMT+7

9 địa phương “gật đầu” mở lại đường bay nội địa

Anh Tú -

Cục Hàng không Việt Nam sẽ cấp phép cho các hãng khai thác đường bay cho 9 địa phương đầu đi và đến đã chấp thuận kế hoạch bay nội địa...

Hai địa phương đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay nội địa là Hải Phòng và Gia Lai.
Hai địa phương đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay nội địa là Hải Phòng và Gia Lai.

Trong số 12 địa phương phản hồi, góp ý cho kế hoạch mở lại đường bay nội địa của Cục Hàng không Việt Nam, 9 địa phương cơ bản đồng ý với kế hoạch nối lại các đường bay nội địa gồm: TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đắk Lắk. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh về tần suất chuyến bay.

Theo đó, Nghệ An đề nghị chỉ mở các đường bay từ tỉnh này đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần, thay vì mở 7 đường với 19 chuyến theo đề xuất của Cục Hàng không.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất với Cục hàng không Việt Nam cho khai thác đường bay nội địa đi và đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với tần suất khai thác 01 chuyến khứ hồi/tuần đối với đường bay Huế - TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch, đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần đến sân bay Nội Bài để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, yêu cầu hành khách chấp hành đúng quy định phòng dịch của thành phố.

 

Theo các chuyên gia, khôi phục vận tải, trong đó có hàng không, là vấn đề sống còn. Việc mở lại các chuyến bay không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế ngay tại địa phương, không thể để mỗi địa phương làm một kiểu, một phương án, một kế hoạch khác nhau sẽ rất khó bay nội địa trở lại.

Ngoài ra, còn lại hai địa phương là Hải Phòng và Gia Lai lần lượt đề nghị tạm thời chưa khai thác và khai thác sau ngày 15/10 phụ thuộc tình hình dịch.

Riêng Hà Nội đã đề nghị Cục Hàng không chỉ tổ chức khai thác đường bay nội địa đi, đến Nội Bài sau khi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP. Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận.

Hà Nội cũng đề nghị làm rõ tiêu chí hành khách được bay như khách thuộc vùng xanh; khách vùng 3, 4 cần có sự cho phép của địa phương đi và đến; tạm thời chưa di chuyển người dân các địa phương TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tới các địa phương khác.

Hà Nội cũng đề nghị làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi/đến Nội Bài với các địa phương có khách đi/đến, đảm bảo khách được địa phương tiếp nhận. Làm rõ cơ chế phối hợp y tế các địa phương để đảm bảo hành khách đi máy bay thuộc nhóm đối tượng thực hiện cách ly và biện pháp cách ly cụ thể.

Ngoài 12 tỉnh đã trả lời Cục hàng không Việt Nam, hiện 8 trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có sân bay được lấy ý kiến phản hồi về đề nghị góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa trong giai đoạn 1 của Cục Hàng không, vẫn chưa phản hồi.

Các hãng hàng không sẽ khai thác nội địa trở lại theo 4 giai đoạn hích ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong giai đoạn 1 sẽ giãn cách ghế trên tàu bay và hành khách phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Trường hợp khách đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hay đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ không phải xét nghiệm.

Còn tại các cảng hàng không cũng đã thiết lập và xây dựng chương trình "Hành lang xanh", phối hợp cùng các hãng hàng không để có từng tiêu chí cho hành khách khi bay.

Các biện pháp y tế, các quy định về xét nghiệm sẽ được giải thích và hướng dẫn cụ thể, thống nhất và rõ ràng. Nhưng việc đưa ra các quyết định đón khách hay không đón khách, cho bay hay không cho bay tại mỗi địa phương khác nhau, chưa có tính đồng nhất sẽ là rào cản không chỉ đối với ngành hàng không, mà cả với các loại hình vận tải khác.

Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate