April 24, 2023 | 14:01 GMT+7

97% du khách Việt muốn đi du lịch bền vững hơn

Tường Bách -

Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn chú trọng bảo tồn, tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong khuôn khổ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023, với sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu – AVSE Global tổ chức Diễn đàn bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”.

Theo GS. Aaron Ahuvia, chuyên gia về thương hiệu (Đại học Michigan, Mỹ): Du lịch Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc những năm qua, tuy nhiên sau đại dịch Covid-19, nền du lịch đã gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tiếp tục củng cố để du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Việt Nam cần đưa ra các biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại. GS Aaron Ahuvia nhấn mạnh: "Cần chú trọng tăng thêm lượng khách du lịch từ phương Tây để có thể cạnh tranh được với các nước lân cận. Trên hết, để làm được tất cả những điều trên cần thực hiện một cách bền vững".

Giáo sư cũng giải thích lý do tại sao việc nuôi dưỡng tình yêu thương hiệu của du khách đối với Việt Nam có thể giúp đáp ứng tất cả những thách thức chiến lược này, đưa Việt Nam đi trên con đường bền vững. “Khi xây dựng được thương hiệu, cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là lợi thế của các di sản. Đồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá du lịch và có thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm để thu hút khách tham quan”, GS. Aaron Ahuvia chia sẻ.

Khi xây dựng được thương hiệu du lịch, cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là lợi thế của các di sản.
Khi xây dựng được thương hiệu du lịch, cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là lợi thế của các di sản.

Tại sự kiện, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng sáng kiến tổ chức Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề: “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”, thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững.

Thêm nữa, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng nhấn mạnh quan điểm: phát triển du lịch văn hóa gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; xác định du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm quan trọng của du lịch Việt Nam; phấn đấu đến năm 2030 du lịch văn hóa chiếm tỉ trọng khoảng 30% trong tổng số khoảng 130 tỉ đô la Mỹ tổng thu từ khách du lịch…

Cũng tại diễn đàn trên, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng nhiều giá trị di sản văn hóa bị thương mại hóa quá mức, làm suy giảm giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều nét văn hóa truyền thống, lối sống, phong tục tập quán địa phương bị phá vỡ, biến đổi… du lịch Việt Nam thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn văn hóa có tính tương tác cũng như các công trình văn hóa nghệ thuật, cũng như các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách…

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cũng như các tỉnh thành cần tìm ra những giá trị khác biệt của địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch và những trải nghiệm đáng nhớ. Theo đó, Diễn đàn Bền vững Việt Nam hướng đến một không gian trao đổi để các nhà lãnh đạo toàn cầu và các chủ thể liên quan (các nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nghiệp, doanh nhân, và tổ chức phi chính phủ) trình bày và thảo luận về các sáng kiến, thực tiễn và xu hướng mới về sự bền vững. Sứ mệnh cốt yếu là thúc đẩy sự phát triển lâu dài cho xã hội, trong đó thịnh vượng gắn liền với môi trường bền vững.

Mới đây, Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 được Booking.com công bố cũng đã chỉ ra rằng 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. 52% trong đó nói sẵn lòng chi tiền cho du lịch xanh, bảo vệ môi trường như một cách để đảm bảo chắc chắn họ đang tạo ra ảnh hưởng tích cực sau mỗi chuyến đi. 83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.

83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.
83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.

Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com dựa trên khảo sát 33.000 du khách đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới có độ tuổi từ 18 trở lên có kế hoạch du lịch trong 12 tháng tới. Trong số này, có 1.000 du khách Việt Nam tham gia khảo sát. Đây là năm thứ 8 Booking.com thực hiện báo cáo về du lịch bền vững. So với các cuộc khảo sát trước đây, báo cáo năm nay tiếp tục chỉ ra sự mâu thuẫn khi khách du lịch phải lựa chọn giữa việc siết chặt ngân sách trong thời điểm kinh tế khó khăn và quyết định chi trả nhiều hơn cho du lịch.

“Hiện khi chúng ta chung sống với những bất ổn toàn cầu như biến đổi khí hậu khó lường và phí sinh hoạt tăng, những chuyến du lịch bền vững dần được du khách Việt hướng đến", Giám đốc Booking Việt Nam Varun Grover nhận xét. Theo đó, 77% du khách Việt chia sẻ các thông tin gần đây về biến đổi khí hậu đã tác động đáng kể lên lựa chọn du lịch của họ, khuyến khích họ đưa ra nhiều lựa chọn bền vững hơn.

Du khách Việt cũng chủ động tìm kiếm các chương trình tích điểm, khách hàng thân thiết, giảm giá, đi kèm với lựa chọn bền vững để hài hòa ngân sách cá nhân. 81% mong muốn các công ty lữ hành có thể cung cấp nhiều hơn nữa các sản phẩm liên quan đến du lịch xanh (con số này năm 2022 là 73%).

Bên cạnh những yếu tố tích cực, lạm phát gia tăng là nguyên nhân khiến 42% du khách Việt Nam thấy rằng du lịch bền vững vẫn là một điều quá đắt đỏ. Trong số du khách Việt tham gia khảo sát, có tới 83% cho biết họ yêu thích trải nghiệm bản địa khi đến thăm miền đất mới, song 40% trong số này không biết làm thế nào để tìm kiếm cơ hội đóng góp ngược lại cho cộng đồng nơi họ đến du hí.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate