Thị trường tài chính toàn cầu đang tính đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Nỗi lo này đã gây ra tình trạng bán tháo trên khắp các thị trường chứng khoán từ Mỹ đến châu Á trong ngày hôm qua và sáng nay (14/6).
Theo chuyên gia Steve Liesman của hãng tin CNBC, các quan chức Fed đang hoàn toàn thoải mái với ý tưởng nâng lãi suất tham chiếu (fed fund rate) - loại lãi suất để các ngân hàng thương mại áp dụng với các khoản vay qua đêm lẫn nhau - với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra vào ngày 14-15/6.
Thay đổi trong triển vọng kinh tế - bao gồm khả năng lạm phát chưa hề đạt đỉnh và tiếp tục vượt xa mục tiêu 2% của Fed – có thể trở thành động lực khiến Fed đưa ra một quyết định nâng lãi suất như vậy khi kết thúc cuộc họp vào rạng sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam.
Bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm là “một khả năng rõ ràng có thực”, ông Liesman phát biểu.
Trước đó, tờ Wall Street Journal cũng đã nói đến sự thay đổi lập trường của Fed, cho rằng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể tăng lãi suất 0,75% trong cuộc họp tuần này. Lãi suất của Fed có ảnh hưởng đến các sản phẩm vay tiêu dùng với lãi suất có thể điều chỉnh, như vay thế chấp nhà và thẻ tín dụng.
Ngân hàng Goldman Sachs tuyên bố điều chỉnh dự báo về mức nâng lãi suất của Fed trong lần họp này lên 0,75 điểm phần trăm từ mức 0,5 điểm phần trăm trước đó.
Thậm chí, theo các chuyên gia của Goldman Sachs, Fed có thể áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm hai lần liên tiếp, trong cuộc họp tuần này và cuộc họp tháng 7, trước khi trở về với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9, và bước nhảy 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11 và tháng 12. Với tiến độ tăng lãi suất như vậy, lãi suất Fed sẽ đạt 3,25-3,5% vào cuối năm nay.
“Nhân tố có khả năng cao nhất dẫn tới một sự dịch chuyển lập trường của Fed theo chiều hướng cứng rắn hơn chính là báo cáo lạm phát tháng 5 cao bất ngờ, cộng thêm báo cáo niềm tin tiêu dùng công bố hôm thứ Sáu cho thấy kỳ vọng lạm phát dài hạn tiếp tục tăng cao theo đà leo thang của giá xăng”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định.
Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tuần này đang ở mức 96%. Trước đó, công cụ này phản ánh khả năng cao nhất là Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6.
Những ngày gần đây, giới giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai đã đẩy cao đặt cược vào việc Fed sẽ vượt xa bước nhảy lãi suất 0,25 điểm phần trăm vốn đã trở thành “truyền thống”. Sự đặt cược này được phản ánh qua diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3,37% trong phiên ngày thứ Hai, cao hơn 0,21 điểm phần trăm so với phiên trước. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 2 năm - kỳ hạn theo sát nhất các ý định của Fed – tăng 0,3 điểm phần trăm lên mức 3,34%.
Công cụ lãi suất được Fed sử dụng như một phương thức để kiềm chế nhu cầu – nhân tố đang khiến lạm phát ở Mỹ lên cao nhất hơn 40 năm. Thị trường cho rằng Fed sẽ phải nâng lãi suất liên tục cho tới ít nhất cuối năm nay nhằm kéo lạm phát về gần hơn mức mục tiêu 2%.
Bài báo của Wall Street Journal - một nguyên nhân dẫn tới phiên bán tháo của chứng khoán Mỹ đêm qua – không dẫn một nguồn cụ thể nào, nhưng nói rằng các quan chức Fed có thể thay đổi lập trường lãi suất dựa trên những báo cáo gần đây cho thấy lạm phát không chỉ cao so với chuẩn lịch sử mà còn tiếp tục đi lên. Fed đang trong thời kỳ “im lặng” trước khi bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ, nên các quan chức Fed không thể lên tiếng bình luận về chính sách.
Báo cáo hôm thứ Sáu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và tăng vượt dự báo. Cùng ngày, một chỉ số do Đại học Michigan thực hiện cho thấy niềm tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng cao.
Một báo cáo khác của Fed chi nhánh New York công bố ngày thứ Hai cho thấy kỳ vọng lạm phát cả năm nay ở Mỹ là 6,6%, bằng mức kỷ lục thiết lập vào năm 2012.
Trong khi đó, nguyên nhân dẫn tới lạm phát cao đều là những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều: tắc nghẽn chuỗi cung ứng đẩy giá cả lên cao; giá năng lượng leo thang do sản lượng kém; và chiến tranh Nga-Ukraine. Ngoài ra, sự mất cân đối cung cầu trên thị trường lao động ở Mỹ cũng đẩy tiền lương lên, làm gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
Phiên ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ sụt gần 4%, rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market), trong khi chứng khoán châu Âu mất 2,4% điểm số. Vừa mở cửa sáng nay, chứng khoán châu Á đã bán mạnh, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 2,2%; thị trường Australia mất gần 5%; Hàn Quốc giảm hơn 1,6%...