Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia, 30 năm Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) hoạt động tại Việt Nam, ngày 18/11/2022, đã diễn ra Hội nghị đối tác ACIAR 2022 với chủ đề “Hướng tới Kinh doanh Nông nghiệp Bao trùm”.
CỨ 1 AUD ĐẦU TƯ, TẠO RA 84 AUD LỢI NHUẬN
Bà Nguyễn Thị Thanh An, Trưởng đại diện ACIAR tại Việt Nam cho biết từ năm 1993 đến nay, ACIAR đã đầu tư 243 dự án nghiên cứu tại Việt Nam, trị giá 157,5 triệu AUD. ACIAR đã hỗ trợ nhiều Viên nghiên cứu với hơn 120 nhà khoa học Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo bậc sau đại học tại Australia và các chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo tại Australia thông qua các chương trình học bổng của ACIAR.
“Các quan hệ đối tác chiến lược ACIAR – Việt Nam hướng đến giải quyết những thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt thông qua nâng cao năng suất, giảm nghèo và quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn. ACIAR ưu tiên các dự án đồng đầu tư và có sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các hệ thống kinh doanh nông nghiệp bao trùm”, bà Nguyễn Thị Thanh An thông tin.
Theo bà An, ACIAR và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác mới trong năm 2023, tập trung vào củng cố lợi ích chung và khả năng đồng đầu tư. ACIAR cam kết ngân sách 23 triệu AUD cho các dự án liên quan đến Việt Nam trong vòng 5 năm tới, hướng tới các nghiên cứu dài hạn và góp phần chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.
Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của ACIAR tại Việt Nam trong thời gian qua, và cho biết Australia sẽ tăng 18% tổng số tiền hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới do nhận thấy quá trình phát triển tốt đẹp và hợp tác hiệu quả. Thời gian qua, ACIAR đã tham gia nhiều chương trình, dự án tại Việt Nam, đặc biệt nâng cao quyền của phụ nữ, thúc đẩy sự công bằng về giới, về nông nghiệp và thúc đẩy du lịch.
Tính toán của các cơ quan nhà nước Việt Nam về tỷ lệ lợi nhuận trên đầu tư các dự án của ACIAR tại Việt Nam cho thấy, cứ 1 AUD đầu tư hỗ trợ đã đem lại hiệu quả giá trị tương đương 84 AUD cho Việt Nam. Nhờ vậy, ACIAR đã được nhận Huân chương Hữu nghị do Chính phủ Việt Nam trao tặng năm 2019.
ĐƯA DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN VÀO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Trình bày “Báo cáo Đánh giá các nghiên cứu về phát triển thị trường rau và hoa quả tại vùng Tây Bắc Việt Nam", bà Bethany Davies, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu đánh giá tác động và kế hoạch đầu tư cho biết mục đích của nghiên cứu này là nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý Việt Nam những vấn đề liên quan đến việc tiêu thụ rau quả của nông dân ở vùng Tây Bắc, nêu lên những thuận lợi, khó khăn.
Howard Half – Cố vấn chuyên trách Chương trình Nghiên cứu kinh doanh nông nghiệp của ACIAR tại Việt Nam, cho hay quan sát tại nhiều nước Đông Nam Á thấy rằng các dự án nghiên cứu thường coi nông dân là nguồn dữ liệu cho nghiên cứu thay vì coi họ là đối tượng phục vụ trong nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu khoa học thường thiếu sự tự tin và kỹ năng để mời các doanh nghiệp tham gia dự án, thậm chí một số nhà nghiên cứu còn né tránh tương tác với doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, cho rằng nghiên cứu khoa học được thực hiện từ nguồn đầu tư công thường không có lợi ích với doanh nghiệp.
Trình bày về hoạt động của Nhóm Tham vấn kinh doanh nông nghiệp ACIAR (Nhóm ARG) tại Việt Nam, ông Đỗ Thành Lâm, Điều phối viên ARG nhận định: Tại Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân ít tham gia vào các dự án nghiên cứu của các Viện khoa học thuộc các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Việc thiếu sự kết nối giữa nhà nghiên cứu và doanh nghiệp dẫn tới doanh nghiệp ít sử dụng các kết quả nghiên cứu.
Để giải quyết vấn đề này, ACIAR thiết lập “Nhóm Tham vấn kinh doanh nông nghiêp (ARG) vào tháng 11/2020, với 19 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Có 15 dự án nghiên cứu của ACIAR được gửi cho ARG vào tháng 10/2021.
Tham gia trong lĩnh vực bò thịt có Công ty Phú Lâm, Tập đoàn Diên Hồng. Trong lĩnh vực thủy sản có 5 doanh nghiệp tham gia: Công ty ADM, Công ty Skretting Việt Nam, Công ty Thức ăn thủy sản Mekong, Công ty Cổ phần Việt – Úc, Công ty Hải sâm Việt Nam.
Đối với dự án hải sâm, các kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Thủy sản 3 đã được Công ty Hải sâm Việt Nam sử dụng hiệu quả, như công nghệ sản xuất giống và ao nuôi. Đến nay, đã có 50 hộ dân liên kết với Công ty Hải sâm để sản xuất Hải sâm.
“Mục tiêu sẽ đưa số hộ nông dân tham gia liên kết nuôi hải sâm tăng gấp 3 lần vào năm 2023. ACIAR/ARG sẽ hỗ trợ kế hoạch này, từ đó sẽ tạo ra 3.500 ao nuôi hải sâm, cho 70 triệu cá thể hải sâm vào năm 2025, tạo việc làm cho 3.500 hộ nông dân”, ông Đỗ Thanh Lâm nói.
Ông Lâm nêu lên nhiều vấn đề cần hợp tác thúc đẩy trong lĩnh vực nuôi trồng hải sâm, từ hỗ trợ chính sách, thiết lập chuỗi giá trị hải sâm, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ đăng ký hải sâm là loài thủy sản nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại, cần nhà nước quy hoạch vùng nuôi ổn định. Phát triển ngành hàng cá tra cần công nghệ kiểm soát thất thoát thức ăn trong nuôi trồng. Cần hợp tác giữa các doanh nghiệp và Viện nghiên cứu về phát triển thức ăn phục vụ nuôi cá mú.