December 16, 2021 | 15:50 GMT+7

ADB: Khoảng 90% số lao động Việt Nam bị mất việc đã ngừng tìm việc làm mới

Đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa lao động có tay nghề và lao động phổ thông, gây tổn hại tới lao động kỹ năng thấp cũng như lao động có trình độ trung bình...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại báo cáo mới đây của ADB về khu vực Đông Nam cho biết, khu vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 2/2020, khi các biện pháp ngăn chặn của chính phủ ở mức nghiêm ngặt nhất.

Trong thời gian đó, khoảng 90% số lao động Việt Nam bị mất việc làm đã ngừng tìm việc làm mới, con số này ở Indonesia là 60% và Malaysia là 40%. Hay như tại Philippines, cứ năm công nhân thì có một người bị mất việc làm hoặc rời bỏ lực lượng lao động.

Trưởng Ban Phát triển con người và Xã hội khu vực Đông Nam Á của ADB, bà Ayako Inagaki, chia sẻ: “Đại dịch cùng nguy cơ tăng trưởng kinh tế trì trệ và bất bình đẳng gia tăng đã nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách tài khóa vượt ra ngoài vai trò phản chu kỳ của nó thông qua tăng cường đầu tư cho bảo trợ xã hội và cơ sở hạ tầng cho hoạt động này. Các quốc gia cần đẩy mạnh đầu tư cho vốn con người và huy động các nguồn lực trong nước để xây dựng những chương trình bảo trợ xã hội bền vững, bao trùm và tăng cường đóng góp cho bảo hiểm xã hội.”

Khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sụt giảm nhu cầu trong nước và quốc tế, hạn chế di chuyển và đi lại, và khả năng làm việc từ xa hạn chế đã dẫn đến tình trạng cắt giảm lượng lớn việc làm trong nông nghiệp, bán buôn và bán lẻ—những lĩnh vực thường thu hút lao động bị dịch chuyển trong các cuộc khủng hoảng. Sản xuất chiếm một tỷ trọng lớn trong số việc làm ròng bị mất đi ở nhiều nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng lớn hơn từ tình trạng cắt giảm việc làm, do họ có thanh khoản kém hơn hoặc ít khả năng tiếp cận hỗ trợ của chính phủ hơn.

Lao động trẻ nhiều khả năng bị mất việc hơn, chủ yếu bởi vì họ chiếm ưu thế trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như khách sạn và nhà hàng, cũng như thương mại bán buôn và bán lẻ. Phụ nữ, ở tất cả các quốc gia mà báo cáo xem xét và ở tất cả các nhóm tuổi, có nhiều khả năng rời bỏ lực lượng lao động, chủ yếu để chăm sóc gia đình trong thời gian diễn ra đại dịch. Phụ nữ gia nhập lại lực lượng lao động vào đầu năm 2021 phần lớn là lao động tự do hoặc trong khu vực phi chính thức, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của họ về lâu dài.

Lao động phi chính thức, những người chiếm tỉ trọng lớn trong số lao động nghèo và cận nghèo của khu vực, đặc biệt dễ bị tổn thương trước khủng hoảng do họ bị hạn chế về bảo đảm việc làm và bảo trợ xã hội. Mười triệu lao động nhập cư của khu vực cũng bị ảnh hưởng bởi những hạn chế trong di chuyển và đi lại, vì họ thường không có sự bảo đảm về việc làm hoặc không được tiếp cận các hệ thống y tế và phúc lợi ở nước sở tại.

Nhìn chung, ADB còn đánh giá, đại dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa lao động có tay nghề và lao động phổ thông, gây tổn hại tới lao động kỹ năng thấp cũng như lao động có trình độ trung bình, những người mà công việc của họ đang đối mặt với khả năng tự động hóa hoặc bị chuyển đi nơi khác. Lao động phi chính thức, lao động tự do, lao động tạm thời và lao động nhập cư là những nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate