Ngày 25/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa.
TUYỂN DỤNG GẦN 10.000 VỊ TRÍ VIỆC LÀM
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, phiên giao dịch hôm nay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với gần 80 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 10.000 chỉ tiêu việc làm.
Riêng tại Hà Nội có 30 doanh nghiệp tham gia trên 15 điểm điểm sàn việc làm đồng bộ, với trên 1.000 vị trí tuyển dụng nhằm hỗ trợ cho người lao động có sự lựa chọn nhiều hơn.
“Mục đích của phiên giao dịch việc làm là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động trong hoạt động kết nối để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi hy vọng doanh nghiệp có thể tuyển dụng được người lao động còn người lao động có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm đa dạng không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh khác sau thời gian dịch bùng phát”, ông Thành nói.
Tại sàn Hà Nội, mức thu nhập được các doanh nghiệp chi trả 10 triệu đồng/tháng trở lên chiếm 27,5% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của những nhân sự chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng phó phòng dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu được áp lực công việc cao.
Mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng chiếm 32,1%, là mức của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức 5 – 7 triệu đồng chiếm 22%, đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Còn lại là mức do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Cơ hội việc làm tại phiên hôm nay tập trung vào nhóm 26 – 35 tuổi, dành cho người lao động đã có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhiều vị trí được tuyển dụng như: quản lý mua hàng, nhân viên bán hàng, nhân viên kỹ thuật, kỹ sư phân tích sản phẩm, kỹ sư quản lý chất lượng, kế toán…
Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Trà Cozy cho biết, doanh nghiệp này hiện có nhu cầu tuyển dụng hai vị trí là chuyên viên marketing và giám đốc marketing. Trong đó, đối với vị trí chuyên viên yêu cầu 3 năm kinh nghiệm trở lên, với mức lương lao động từ 20 – 25 triệu đồng, có thể mở rộng thêm, còn với vị trí giám đốc marketing ít nhất có 5 năm kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng nhanh, mức lương từ 40 – 60 triệu đồng.
Theo ông Tuấn Anh, thực tế mức lương trên so với thời điểm trước dịch là không tăng nhưng so với mức sàn chung trên thị trường là khá tốt. "Tuy nhiên, việc tuyển dụng thời điểm này khá khó khăn, trước hết do tình hình dịch bệnh nên người lao động không muốn thay đổi công việc, thêm nữa đang cận Tết nên họ cũng ngại chuyển việc. Bên cạnh đó, trên thị trường, các vị trí nhân sự trung và cao cấp gần như không có thói quen nhảy việc, mà thường phải thông qua giới thiệu", ông Tuấn Anh nhìn nhận.
Do đó, để tuyển dụng nhân sự đáp ứng yêu cầu, đơn vị này phải thông qua nhiều trang tuyển dụng khác, qua mạng xã hội, công ty săn đầu người....
HAI KỊCH BẢN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG HÀ NỘI
Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, với những chính sách về phòng, chống dịch linh hoạt, thích ứng an toàn trong trạng thái bình thường mới, cùng với hoạt động tiêm chủng được triển khai trên diện rộng, tình hình sản xuất, phục hồi của thị trường lao động trên địa bàn đang có những nét khởi sắc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đơn vị này cũng đưa ra hai kịch bản. Trong đó, với tình huống kiểm soát được dịch bệnh, khoanh vùng gọn và dập dịch nhanh chóng thì thị trường lao động sẽ có những chuyển biến rất rõ ràng.
“Thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây, nhất là khi có những chính sách mới trong công tác phòng chống dịch thì trên toàn hệ thống điểm sàn của trung tâm đã tiếp nhận số lượng tăng trưởng cao hơn so với trước đây”, ông Thành thông tin.
Dự kiến nếu kịch bản trên được giữ vững, theo nhận định của ông Thành xu hướng tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng. Đáng chú ý, ngoài tuyển lao động toàn thời gian, thời điểm này các doanh nghiệp cũng mở rộng tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ dịp Noel, Tết Dương dịch, Tết Nguyên đán và các hoạt động mua sắm cuối năm.
“Những lĩnh vực, ngành nghề theo quan sát của chúng tôi sẽ có xu hướng tuyển dụng tăng là thương mại dịch vụ, tập trung vào nhóm ngành bán buôn bán lẻ, kinh doanh, vận tải, giao nhận hàng, và các dịch vụ khác hỗ trợ cho hoạt động thương mại phục vụ dịp Tết. Bên cạnh đó là các lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, tài chính, thương mại điện tử, thông tin và truyền thông cũng tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng gia tăng trong thời gian tới”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, ở kịch bản xấu là nếu tình hình dịch bệnh trên địa bàn có dấu hiệu bùng phát mạnh hơn, với những chính sách chặt được áp dụng, điều này sẽ gây ra những chiều hướng không tích cực, thị trường lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
“Hà Nội cũng vừa trải qua bối cảnh có đến 4 lần phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như thị trường lao động đều có những đình trệ và bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Thành nói và cho hay vì vậy cần chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống để không bị động.